Khi gen Z không biết nấu ăn
Khảo sát từ ứng dụng hẹn hò FindingTheOne với 1.500 người ở nhiều độ tuổi khác nhau về việc nấu ăn cho thấy rằng không chỉ những món phức tạp, ngay cả những món cơ bản như xào hay súp, cũng khiến nhiều bạn trẻ gặp khó khăn. Gen Z dường như đang tìm cách né tránh bếp núc khi họ thường xuyên ăn ngoài hoặc gọi đồ ăn sẵn. Đặc biệt, 61% gen Z thừa nhận không biết rán trứng ốp la, trong khi nhiều người vẫn coi đó là món ăn cơ bản nhất.

Ở Việt Nam, vấn đề thiếu kỹ năng nấu ăn cũng đang ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Mặc dù sống trong xã hội hiện đại với sự hỗ trợ từ công nghệ, nhiều bạn trẻ vẫn chưa có thói quen tự nấu ăn. Nguyễn Hoàng Như Anh (27 tuổi), ngụ ở 61 đường 8 Trường Thọ, TP.Thủ Đức (TP.HCM), chia sẻ rằng cô chưa bao giờ vào bếp, trừ những tiết học nấu ăn thời THCS.
"Ba mẹ luôn lo hết mọi bữa ăn trong gia đình, nên mình không phải bận tâm gì về việc nấu nướng. Lên đại học, mình càng ít vào bếp hơn, vì lúc nào cũng ăn tiệm hoặc ra căng tin. Cho đến một ngày đói bụng, mình quyết định thử vào bếp làm một món đơn giản. Lúc đó, món duy nhất mình dám thử là luộc trứng, nhưng cũng thất bại", Như Anh chia sẻ.
Câu chuyện của cô gái chưa dừng lại ở đó. Khi cùng bạn bè đi ăn buffet nướng, Như Anh và nhóm bạn cũng gặp không ít khó khăn khi nướng đồ ăn. Món nào cũng khét lẹt, buộc nhân viên phải thay vỉ nướng nhiều lần. Cô gái không khỏi lo lắng và tự hỏi, liệu tương lai có khó lấy chồng không, vì sợ mỗi lần ra mắt lại gặp phải tình huống bối rối như thế.
"Những lần như vậy khiến mình cảm thấy càng bất an hơn về việc không biết nấu ăn, nhất là khi nghĩ đến những dịp tụ họp gia đình hay bạn bè, khi mọi người đều có thể dễ dàng chuẩn bị bữa ăn ngon, còn mình thì chỉ biết trông chờ vào các dịch vụ bên ngoài", Như Anh bộc bạch.
Nguyễn Quang Tuấn (28 tuổi), làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7 (TP.HCM), chia sẻ rằng trước đây anh rất ngại mỗi khi đến nhà bạn bè vì không biết vào bếp. Mỗi khi họ mời ăn, Tuấn chỉ biết ngồi chờ, trong khi bạn bè đều rất thoải mái trong việc nấu nướng. Anh cảm thấy mình thật sự lạc lõng và không thể hòa nhập. Tuy nhiên, khi bắt đầu đi làm xa nhà và ở trọ một mình, Tuấn không còn cách nào khác ngoài việc học nấu ăn.
Mới đầu, anh gặp phải rất nhiều khó khăn. Có lần nấu cơm nhưng cho quá nhiều nước, khiến cơm bị nhão. Khi thử nấu mì, anh lại thất bại vì mì quá mềm và thiếu gia vị. Tuy nhiên, Tuấn không bỏ cuộc. "Mình đã tìm đọc rất nhiều công thức nấu ăn trên mạng, từ YouTube đến các nhóm nấu ăn trên Facebook. Mình bắt đầu với những món cơ bản như cơm chiên, rồi thử nghiệm với trứng rán. Dần dần, mình đã làm được những món ăn ngon và cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Có lần, mình còn nấu cháo cho bạn gái ăn khi cô ấy bị ốm", Tuấn chia sẻ.
Để khơi dậy tình yêu nấu ăn
Theo chuyên gia tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, việc không biết nấu ăn có thể gây ra nhiều tác động lâu dài đối với sức khỏe, tài chính và thói quen sống của giới trẻ. "Nghiên cứu của BMJ năm 2019 cho thấy những người thường xuyên ăn đồ ăn chế biến sẵn có nguy cơ béo phì và mắc bệnh tim cao hơn. Việc thiếu kỹ năng nấu ăn sẽ dễ dàng dẫn đến lối sống ít lành mạnh và không kiểm soát được chế độ dinh dưỡng", chuyên gia tâm lý Tâm An nhận định.

Chuyên gia tâm lý Tâm An chỉ ra rằng một nghiên cứu khác từ Journal of Consumer Research cho biết những người biết nấu ăn có thể tiết kiệm đến 30% chi phí ăn uống so với những người thường xuyên ăn ngoài. "Nấu ăn giúp bạn không chỉ tiết kiệm được tiền bạc mà còn cải thiện khả năng quản lý thời gian, giảm stress và tăng cường sự tự tin trong cuộc sống độc lập. Theo tôi, các bạn trẻ có thể bắt đầu từ những món đơn giản như cơm, trứng, rau luộc để tránh cảm giác nản chí. Thử thách nấu ăn cùng bạn bè là một cách tuyệt vời để tạo sự hào hứng và kết nối các mối quan hệ", chuyên gia tâm lý Tâm An nói.
Đầu bếp Lê Lâm, làm việc tại Tập đoàn khách sạn Silverland (TP.HCM), chia sẻ việc thiếu kỹ năng nấu ăn là chuyện thường thấy trong thời đại hiện nay. Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và công nghệ, việc tìm kiếm quán ăn ngon và đặt đồ ăn qua các ứng dụng nhanh chóng và tiện lợi hơn nhiều so với việc nấu một món ăn tại nhà. Nếu chỉ ăn một mình, việc mua đồ ăn ngoài sẽ tiết kiệm hơn, đặc biệt là với những món đơn giản.
Tuy nhiên, anh Lâm cho rằng nếu giới trẻ có kỹ năng căn bản về nấu ăn, họ sẽ tự chủ được về thực phẩm, không phải lệ thuộc vào đồ ăn sẵn khi phải rời xa gia đình. "Điều này cực kỳ quan trọng khi các bạn bước vào môi trường mới và sống một mình. Để khơi dậy tình yêu nấu ăn, bạn có thể tham khảo các kênh hướng dẫn nấu ăn đẹp mắt, dễ thực hiện, có thể bắt đầu từ các món đang trend (xu hướng). Khi có thể làm được những món ăn dễ, các bạn sẽ cảm thấy hứng thú và muốn thử những món khó hơn. Đừng ngại thất bại, vì niềm vui khi được người khác khen ngon chính là phần thưởng lớn nhất", đầu bếp Lê Lâm nói.
Theo Phương Vy (TNO)