Sức khỏe

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm sau Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau Tết Nguyên đán, nhiều gia đình còn dư thừa thực phẩm. Việc bảo quản không đúng cách, chế biến đi chế biến lại và sử dụng các thực phẩm hết hạn sử dụng hoặc để quá lâu ngày, để nấm mốc... dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất lớn.
Các bác sĩ cấp cứu cho một bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa. Ảnh: Thùy Linh

Các bác sĩ cấp cứu cho một bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa. Ảnh: Thùy Linh

Thực phẩm nấm mốc rất nguy hiểm

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết nhiều người thường cho rằng chất độc có trong thực phẩm và vi khuẩn gây bệnh, mà không biết là nấm mốc cùng độc tố của chúng cũng rất nguy hiểm. Khoa học đã chứng minh, ăn thức ăn nhiễm nấm mốc có thể xảy ra ngộ độc cấp tính, thậm chí ngộ độc mạn tính nếu cơ thể tích lũy dần những lượng nhỏ nấm mốc và độc tố nấm.

Theo bác sĩ Tiến, ước tính gần 40% loài nấm mốc có thể sản sinh ra độc tố, mức độ khác nhau nên gây bệnh khác nhau. Loại ít độc hoặc một liều lượng nhỏ độc tố nấm chỉ gây ngộ độc nhẹ, người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, choáng váng... Độc tố vi nấm tích lũy dần trong cơ thể lâu dần dẫn đến bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy thận... Do đó, thực phẩm bị nấm mốc thì không nên ăn.

Một số loại thực phẩm sau Tết dễ nấm mốc. Ảnh: Hương Giang

Một số loại thực phẩm sau Tết dễ nấm mốc. Ảnh: Hương Giang

Bánh chưng - món ăn truyền thống trong những ngày Tết là một ví dụ. Sau Tết nhiều nhà vẫn còn không ít bánh chưng. Do độ ẩm cao và giàu chất dinh dưỡng, bánh chưng là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển, vì vậy bánh để lâu dễ bị mốc. Từ lớp lá ở ngoài, nấm mốc phát triển vào bên trong, lan rộng ra và làm hỏng bánh.

"Cảnh giác với bánh chưng mốc, kiên quyết bỏ chiếc bánh đã bị mốc nhiều, chua, vữa, đắng... Bánh mới bị mốc chút ít bên ngoài có thể cắt bỏ rộng ra xung quanh, chỉ lấy phần bánh còn nguyên lành, đem hấp hoặc rán cẩn thận trước khi ăn", bác sĩ Tiến nói.

Tương tự, các loại bánh ngọt, mứt được sản xuất từ nhiều nguyên liệu khác nhau như bột, đường, bơ, sữa, trứng... Nếu để lâu, bảo quản kém, bánh mứt dễ bị hỏng do vi sinh vật và nấm mốc.

Mứt chảy nước là sắp hỏng, là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật và nấm mốc phát triển. Thường thấy nhất là nấm men ưa đường gây nứt nẻ và làm bánh mất mùi vị, màu sắc đặc trưng.

Trên bề mặt bánh ngọt để lâu xuất hiện những loại nấm mốc khác nhau. Bánh ngọt chảy nước, mất mùi vị, màu sắc biến đổi mất màu sắc đặc trưng thì cần bỏ.

Theo bác sĩ Tiến, khi hình dạng, màu sắc, mùi vị của thực phẩm bị biến dạng, hoặc nghi ngờ thực phẩm không đảm bảo an toàn thì nên bỏ.

Triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sớm sau vài giờ hoặc muộn trong một vài ngày

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ngộ độc thực phẩm thường đến từ 3 nguyên nhân chính là thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố của vi sinh vật (độc tố vi khuẩn); thực phẩm bị nhiễm hóa chất; bản thân thực phẩm có độc (chất độc có tự nhiên trong thực phẩm là thực vật, động vật như cá nóc, gan cóc, trứng cóc, vỏ sắn, nấm độc, lá ngón…).

Do tác nhân gây độc là rất đa dạng, triệu chứng của ngộ độc thực phẩm cũng khá phong phú. Tùy vào loại nguyên nhân gây độc, triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sớm sau vài giờ hoặc muộn trong một vài ngày.

Theo BS Nguyên, hầu hết triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thường bắt đầu từ đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại... xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn.

Trong trường hợp diễn biến nặng, người bệnh có thể có biểu hiện bệnh phức tạp ở đường tiêu hóa như thần kinh, tim mạch, hô hấp...

Để ngăn ngừa ngộ độc do độc tố của vi nấm, không mua và sử dụng lương thực, thực phẩm đã bị mốc như lạc, đậu nành, gạo, ngô, bánh ngọt, mứt... Không đãi, rửa món đã bị mốc để ăn, vì độc tố vẫn còn tồn lưu.

Khi có biểu hiện nhiễm độc, ngộ độc thực phẩm, ngưng ăn ngay, giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn, phân, nước tiểu... để cơ quan chuyên môn kiểm tra xác minh căn nguyên. Xử trí người ngộ độc, trước tiên là cho nôn ra hết chất đã ăn vào, ngăn cản ruột hấp thu chất độc...

BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể xử trí ở nhà bằng cách cố gắng nôn hết thực phẩm đã ăn hoặc uống nước gây nôn nếu người bệnh từ 2 tuổi trở lên, còn tỉnh táo, mới ăn trong vòng vài giờ và chưa nôn.

Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nặng, gia đình cần nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc nhân viên y tế, người hỗ trợ để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

“Người xung quanh cũng nên giữ lại thực phẩm nghi ngờ, bao gồm nhãn mác, thậm chí chất nôn của người bệnh để giúp việc xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm”- BS Nguyên lưu ý.

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, chỉ trong 7 ngày Tết Quý Mão (từ 29 Tết đến chiều ngày mùng 6 Tết), cả nước đã có 813 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, chiếm 0,2% trong tổng số khám, cấp cứu; 2 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).

Có thể bạn quan tâm