Sức khỏe

Cảnh báo tình trạng lây nhiễm liên cầu lợn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vào dịp Tết Nguyên đán, không ít gia đình đã mổ heo để ăn tết và nhiều nơi có tập tục ăn tiết canh heo vào dịp đầu năm để lấy may mắn. Tuy nhiên, đây lại là nguy cơ rất cao của việc lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn sang người, khiến người bệnh thường phải nhập viện điều trị trong tình trạng sức khỏe rất nguy kịch, thậm chí không ít người đã mất mạng.
Rất dễ nhiễm bệnh
Theo nhiều chuyên gia y tế, bệnh liên cầu lợn ở người thường tăng cao vào dịp đầu năm và tết âm lịch, do việc tiêu thụ thịt heo và các sản phẩm thực phẩm từ thịt heo tăng cao, trong đó có tiết canh. Mới đây, Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận một nam bệnh nhân 61 tuổi bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng do nhiễm liên cầu lợn. Gia đình bệnh nhân cho biết, khoảng 2 ngày trước đó, người đàn ông này có ăn tiết canh heo, sau một ngày thì bị mệt mỏi, sốt, đau bụng, đi ngoài và khi được người thân đưa tới bệnh viện cấp cứu thì tình trạng sức khỏe đã nguy hiểm. Tuy ngay khi tiếp nhận các bác sĩ đã xử trí bằng nhiều biện pháp hồi sức tích cực nhưng do diễn biến bệnh quá nặng, tình trạng sốc, suy đa tạng vẫn không cải thiện nên nguy cơ tử vong cao.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, hầu hết các bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn đều có tiền sử trước đó là do ăn tiết canh heo, hoặc thịt heo chưa được nấu chín kỹ, ngoài ra cũng có trường hợp do giết mổ heo bị bệnh. Đáng lưu ý, đối với bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn, bệnh thường diễn biến nhanh và nặng nên nhiều ca nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng huyết nặng, sốc nhiễm trùng nặng, suy hô hấp, suy đa tạng, hôn mê và bị hoại tử các đầu chi nặng nề.
Ăn tiết canh heo là nguyên nhân chính gây nhiễm khuẩn liên cầu trên người
Người mắc bệnh liên cầu lợn có thể điều trị bằng kháng sinh, nhưng thời gian điều trị thường kéo dài với những loại kháng sinh đặc trị liều cao và phải sử dụng nhiều biện pháp hỗ trợ khác. Nếu bệnh nhân bị liên cầu lợn thể viêm màng não mủ có thể phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không. 
Chết vì “lấy may”
Sở dĩ số người mắc bệnh liên cầu lợn thường gia tăng vào dịp Tết Nguyên đán là do không ít gia đình mổ heo để ăn tết và nhiều nơi có tập tục ăn chén tiết canh cho may mắn. Tuy nhiên, may mắn thì chưa thấy mà đã thấy có nhiều người phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng sức khỏe, tính mạng nguy hiểm vì liên cầu lợn. Theo khảo sát của Cục Y tế dự phòng, khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn có ăn tiết canh heo. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ heo bệnh. 
 
Đề phòng nguy cơ nhiễm khuẩn liên cầu lợn, Bộ Y tế khuyến cáo, tuyệt đối không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt heo chưa được nấu chín, không mua bán, giết mổ heo ốm hoặc sản phẩm từ heo không đảm bảo vệ sinh. Sau khi chế biến cần phải rửa sạch tay. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với heo ốm, chăm sóc, nuôi, hoặc giết mổ, tiêu hủy nên có các phương tiện phòng hộ. Khi có dấu hiệu bệnh như sốt cao, xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ, có thể khó thở, cần tới bệnh viện ngay để được khám và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ tử vong. 

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, liên cầu lợn là bệnh từ động vật lây sang người do vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis) gây ra và gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp dù mới mắc nhưng đã rất nặng. Khi mắc liên cầu lợn, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Thống kê của BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, có tới 70% số ca viêm màng não mủ là do liên cầu khuẩn lợn gây ra và bệnh liên cầu lợn có tỷ lệ tử vong tới 40% nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Cảnh báo của Cục Y tế dự phòng chỉ rõ, thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn trên người có thể vài giờ đến 4 - 5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài nhưng không đi nhiều lần khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Đặc biệt, không ít người thường có quan điểm cho rằng heo do gia đình nuôi, heo chăn nuôi dân dã, thả rông là heo sạch và có thể ăn tiết canh.
Tuy nhiên, các chuyên gia thú y chỉ rõ, bất kể giống heo nào, được chăn nuôi trong điều kiện nào thì vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn. Thông thường, vi khuẩn liên cầu thường cư trú ở vùng họng của heo mà không gây bệnh cho con vật, do đó những con heo này trở thành heo lành mang mầm bệnh và bệnh chỉ phát ra ở những con có sức miễn dịch yếu. Với heo nhiễm liên cầu khuẩn (cả heo lành mang mầm bệnh và heo bệnh), trong máu của chúng và thịt sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn. Tỷ lệ mang mầm bệnh liên cầu khuẩn không triệu chứng trong một đàn heo khoảng 60% - 90%.
Quốc Lập (sggp)

Có thể bạn quan tâm