Được đánh giá còn nhiều dư địa, Bà Rịa - Vũng Tàu đang là điểm đến của các đại gia bất động sản. Tuy nhiên, bên cạnh những nhà đầu tư chân chính vẫn còn nhiều đối tượng lén lút vẽ “dự án ma”, hoặc làm giả giấy tờ để phân lô bán nền trái phép nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.
Chính quyền huyện Châu Đức cảnh báo về “dự án ma” ở xã Bình Ba |
Bán đất trên giấy
Khoảng 10 ngày nay, tại huyện Châu Đức, cùng với cơn sốt đất do giới đầu cơ thổi giá, quảng cáo rùm beng “siêu dự án” của một tập đoàn kinh tế lớn trong nước, một số đối tượng đã vẽ dự án ảo với mục đích phân lô bán nền trái phép. Đơn cử khu đất phía sau Đồn Biên phòng Chí Linh được quy hoạch thành Khu du lịch Chí Linh Cửa lấp, vốn dĩ là đất rừng giao khoán cho các hộ dân tại hẻm 414, phường 10, TP Vũng Tàu, đã bị một đối tượng giả mạo giấy tờ bán cho người dân. Khi lực lượng đô thị kiểm tra thì phát hiện 3 công nhân đang san lấp mặt bằng, cắm cọc bê tông để phân lô bán nền. 3 đối tượng khai, được một người tên Long thuê san gạt mặt bằng xây móng đá. Do giao dịch bằng giấy tay, không qua cơ quan chức năng nên chỉ đến khi có sự tác động vào các khu đất, làm thay đổi hiện trạng thì chính quyền chức năng mới phát hiện xử lý.
Hay tại khu đất dự án tái định cư TP Vũng Tàu rộng 10ha đang được chủ đầu tư triển khai xây dựng, một đối tượng đứng ra nhận là đất của mình và dọa hành hung người của đơn vị thi công. Mời làm việc thì đối tượng bỏ đi biệt tích. Nhiều trường hợp khác khi được mời lên làm việc, đã cung cấp giấy tờ đất đai nhưng qua giám định của cơ quan công an thì đều là giả, thậm chí có trường hợp giả cả chữ ký của lãnh đạo phường qua các thế hệ. Tình trạng này đang xảy ra ở nhiều phường vùng ven của TP Vũng Tàu như phường 10, 11, 12 - những nơi còn nhiều đất nông nghiệp.
UBND huyện Châu Đức đã phát đi công văn khẩn, đồng thời cắm bảng cảnh báo người dân cẩn trọng trong giao dịch đất đai vì không có dự án phân lô bán nền nào được phê duyệt ở khu vực xã Bình Ba. Còn tại TP Vũng Tàu, gần đây xuất hiện tình trạng làm giả giấy tờ các khu đất trống đã có chủ nhưng chưa sử dụng để lừa bán rẻ cho người khác.
Người dân vẫn sập bẫy
Tưởng chừng sau những lùm xùm vụ Alibaba thì người dân sẽ cẩn trọng hơn trong giao dịch đất đai, thế nhưng vì hám lời, ham rẻ, không ít người dân đã rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. Đó là trường hợp mua đất của Công ty CP Đầu tư xây dựng và địa ốc Hưng Phú Group (gọi tắt Công ty Hưng Phú, số 237, đường Trần Hưng Đạo, phường Phước Nguyên, TP Bà Rịa), những người mua hiện như ngồi trên đống lửa khi hay tin Giám đốc Trần Văn Hội (32 tuổi, quê Nam Định) bị bắt để điều tra vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo tìm hiểu, Công ty Hưng Phú đã mua nhiều khu đất nông nghiệp của người dân trên địa bàn TP Bà Rịa, huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ rồi tự vẽ “dự án ma” để bán cho khách hàng. Chỉ tính sơ sơ trong năm 2019, công ty này đã vẽ 9 “dự án ma” để phân lô bán đất nền.
Với vẻ mặt rầu rĩ, ông Nguyễn Công T. (trú tại TP Bà Rịa) cho biết, ông và người thân đã hùn nhau mua tới 7 lô đất tại nhiều “dự án” khác nhau của Công ty Hưng Phú. Tính đến tháng 6-2019, ông đã nộp tổng số tiền là 1,5 tỷ đồng, tương đương 60% giá trị hợp đồng và được công ty hứa hẹn 6 tháng giao giấy tờ đất. Thế nhưng đến nay giấy tờ chẳng thấy đâu mà chỉ hay tin giám đốc đã bị bắt vì lừa đảo.
Không chỉ lừa người dân, Hội còn lừa cả đồng hương của mình để kiếm lời bất chính. Cụ thể, tháng 10-2019, Ban Liên lạc Hội đồng hương huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định tổ chức họp mặt lần thứ nhất tại TPHCM và Hội đến tham dự. Anh ta cho biết mình là giám đốc một công ty bất động sản ở Bà Rịa - Vũng Tàu, đang có nhiều dự án rất hấp dẫn. Vì là đồng hương nên Hội sẽ dành tặng những phần quà (mỗi phần trị giá 100 triệu đồng) cho 5 vị khách đầu tư vào các dự án của công ty Hội. Nhiều người đã bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng để đầu tư, nhưng đến nay chưa ai có sổ như hứa hẹn.
Khảo sát thực tế khu đất nằm ngay mặt tiền tỉnh lộ 52, thuộc xã Long Tân, huyện Đất Đỏ cũng được Công ty Hưng Phú chào bán là dự án nhà ở Hưng Phú tỉnh lộ 52-2 với giá hơn 300 triệu đồng/nền. Một khách hàng tiết lộ, hầu hết người mua đến trụ sở công ty để mua bán mà ít đến thực địa nên không biết. Thực chất dự án này chỉ là khu đất nông nghiệp mới được san lấp sơ sài, cỏ mọc um tùm. Sơ bộ số nạn nhân của Hội đã lên đến hàng chục người và thiệt hại cũng lên hàng chục tỷ đồng. Trong quá trình bị điều tra, Hội đã cho đóng cửa văn phòng bỏ trốn khỏi địa phương.
Theo lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu, thành phố đã chỉ đạo lực lượng công an điều tra hành vi giả mạo giấy tờ lừa đảo. Trước mắt sẽ xử lý hành chính nếu phát hiện vi phạm xây dựng. Chính quyền cũng cảnh báo người dân thận trọng trong giao dịch bất động sản, nhất là những khu đất có giá rẻ bất thường thì nên đến các cơ quan chức năng để xác minh, tránh tiền mất tật mang.
NÔNG NGÂN (SGGP)