Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Canh chua Trường Sơn ngày ấy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi nhắc đến con đường huyền thoại Trường Sơn-đường 559, những ai từng hành quân qua đây hẳn sẽ có nhiều kỷ niệm, nhiều nỗi nhớ: Nhớ những cung đường vách cao vực sâu, mùa nắng thì bụi đường dày đến nửa mét, mùa mưa thì trơn tuột, nhão nhoét...
Cá nhân tôi cũng vậy. Chưa nói đến chuyện chiến trận, đến chất độc hóa học, bom napan…, chỉ xin nhắc lại những chuyện vặt rất đời thường của lính. Ngày chúng tôi đi vào chiến trường, trên ba lô của mỗi anh lính, ngoài tư trang, súng đạn là ruột tượng đựng gạo, là ruốc bông, gạo sấy và… đồ hộp. Từ Thanh Hóa, chúng tôi lúc đi ô tô, khi đi bộ, hơn 2 tháng thì đến Gia Lai-Kon Tum. Năm 1974, đơn vị tôi dừng lại đón Tết Nguyên đán ở Binh trạm cách “ngã ba Đông Dương” (nay là Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) chừng nửa ngày đường rừng. Từ đây, chúng tôi chuẩn bị đi qua đất Campuchia vào chiến trường miền Đông Nam bộ.
 Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Ai đã từng hành quân qua đường mòn Hồ Chí Minh, trên đỉnh Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì mới thấm hết những cái thèm: thèm ngủ, thèm thuốc lá, thèm tiếng cười, tiếng khóc trẻ thơ, thèm nghe tiếng con gái, thèm đến cả tiếng chó sủa, tiếng gà gáy sáng… Nhưng có lẽ cái thèm đơn giản nhưng rất lính trận ấy là thèm rau! Nhất là rau đồng nội. Các món ăn từ rau như rau luộc, rau sống, canh rau… tưởng rất bình thường nhưng khi thiếu mới cảm thấy nhớ; nỗi nhớ cồn cào trong bữa ăn và cả trong tâm tưởng. Dẫu đầy thịt, cá hộp nhưng không có rau thì chúng tôi cũng bỏ cơm luôn. Những anh tân binh chúng tôi đã từng nếm trải qua những ngày như vậy trên đường Trường Sơn Tây. Tết năm ấy, ngoài quà của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng dành cho mỗi cá nhân gồm 6 điếu thuốc lá Tam Đảo, 6 cái kẹo chanh, Binh trạm còn cấp cho mỗi trung đội một ký rau cải tươi, là rau tăng gia của Binh trạm. anh cán bộ giao liên mới quen còn tặng cho nắm lá bứa nấu canh chua. Đó là bát canh Tết ngon nhất, quý nhất trong đời lính của tôi. Do dừng tại Binh trạm cả tuần, lại thực hiện lệnh ngừng bắn trong 3 ngày Tết nên chúng tôi tự do đi hái rau rừng. Nào canh chua lá và vỏ cây bứa, canh xoài rừng, rau dớn luộc, canh dọc mùng rừng nấu với cá trích hộp (dẫu ăn xong ngứa đến 2 ngày sau mà vẫn cứ xuýt xoa khen ngon).
Cũng phải nói thêm rằng, trước Hiệp định Paris (ký ngày 27-1-1973), lính Trường Sơn rất thiếu thốn, đến cả gạo hay củ mì cũng không đủ ăn. Từ năm 1973 cho đến ngày giải phóng miền Nam năm 1975, khi chúng tôi hành quân vào Nam, kho gạo ở các binh trạm đã dồi dào nên lính ta không còn sợ đứt bữa. Nhưng thú thật, với những anh bộ đội ở miền Bắc như chúng tôi, rau vẫn là thực phẩm rất quan trọng. Khi ở quê, do chỉ có cơm độn khoai nên phải ăn rau thay cơm; vào bộ đội thì cơm độn bắp có khá hơn, tuy vậy muốn đẫy bữa vẫn phải ăn chèn thêm rau cho chắc bụng.
Vậy nhưng, có lẽ không có người lính ở quốc gia nào sánh được với bộ đội Cụ Hồ trong chuyện thích nghi với hoàn cảnh. Cái câu “từ nhân dân mà ra…” hẳn còn hàm chứa cả chuyện về kỹ năng sinh tồn. Trước khi lên đường vào Nam chiến đấu, kỹ năng để tồn tại không có giáo án chính thức như bây giờ mà đơn giản chỉ là kinh nghiệm của người đi trước truyền lại cho người đi sau, ví như khi hành quân trên đường Trường Sơn sẽ thèm rau, suối Trường Sơn sẽ có rau dớn, rau vòi voi, rau khoai nước, lá bứa, xoài rừng… có thể nấu được canh chua. Bây giờ, mỗi khi vào nhà hàng sang trọng, thấy bạn bè cao hứng gọi món rau dớn rừng xào tỏi, rau lủi luộc… với giá chất ngất như một món đặc sản, trong tôi lại thấp thoáng hình ảnh chiếc ăng gô canh Tết ngày nào giữa rừng già Trường Sơn!
 QUỐC NINH

Có thể bạn quan tâm