Kinh tế

Nông nghiệp

Cánh đồng lúa một giống: Hiệu quả cao, chi phí thấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vụ mùa 2021, các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh Gia Lai tập trung mở rộng diện tích cánh đồng lúa lớn một giống nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và nâng cao chất lượng hạt gạo.

Cung ứng giống mới, chất lượng

Xác định việc xây dựng cánh đồng lúa lớn một giống là bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện) đã chú trọng giới thiệu, cung cấp giống lúa mới, chất lượng đến bà con ngay từ đầu vụ. Vụ mùa 2021, toàn xã gieo sạ 1.300 ha, trong đó, duy trì cánh đồng lúa một giống hơn 80 ha. Giống lúa chủ đạo được bà con sử dụng là LH12. Đây là giống lúa ngắn ngày, cứng cây, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất đạt 8-9 tấn/ha. Bà Siu H'Phưn (thôn Thống Nhất) cho biết: “Gia đình tôi được hỗ trợ 65 kg giống để gieo sạ trên diện tích 5 sào. Các hộ được cấp giống cùng gieo sạ nên dễ chăm sóc, thu hoạch. Năm ngoái, khi tham gia mô hình cánh đồng lúa một giống, năng suất lúa của gia đình cao hơn khoảng 1 tấn/ha so với sản xuất nhỏ lẻ trước đây”.

 Người dân xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện) đồng loạt gieo sạ trên diện tích cánh đồng lúa lớn một giống. Ảnh: Vũ Chi
Người dân xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện) đồng loạt gieo sạ trên diện tích cánh đồng lúa lớn một giống. Ảnh: Vũ Chi


Là địa phương có diện tích lúa nước lớn nhất huyện Ia Pa, xã Ia Ma Rơn triển khai 137 ha cánh đồng lúa một giống với hơn 300 hộ dân tham gia, sử dụng giống N25. Người dân được hỗ trợ 13 kg giống/sào, được tập huấn kỹ thuật canh tác. Thuận lợi lớn nhất của bà con là được gieo sạ cùng trà, cùng giống, liền vùng, liền thửa nên dễ quản lý, chăm sóc, hạn chế sâu bệnh. Từ đó, năng suất cao hơn phương pháp sản xuất truyền thống. Chị Nay H'Luin (buôn HLil 1) chia sẻ: Vụ Đông Xuân 2020-2021, chị tham gia mô hình với diện tích 5 sào. Khi quy hoạch thành cánh đồng mẫu lớn, tất cả đều làm đồng loạt nên thuận tiện nhiều mặt. “Chúng tôi đồng loạt gieo sạ, cùng tháo nước, cùng phun thuốc nên lúa ít sâu bệnh, năng suất cao hơn lúa thường 1,2 tấn/ha. Vụ mùa này, tôi tăng diện tích tham gia mô hình lên 7 sào. Tôi đã cày ải đất chờ sẵn nước về, xã cấp giống là ủ và gieo sạ ngay”-chị H'Luin vui vẻ nói.

Riêng tại thị xã Ayun Pa, việc cấp giống lúa đã hoàn thành trước ngày 10-6. Vụ mùa 2021, thị xã triển khai mô hình “Sản xuất lúa chất lượng cao để phát triển kinh tế nông hộ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số” tại phường Sông Bờ và Hòa Bình. Trong đó, phường Sông Bờ triển khai giống Đài Thơm 8 trên diện tích 12 ha với 108 hộ tham gia; phường Hòa Bình triển khai giống OM18 trên diện tích 8 ha với 34 hộ tham gia.

Cùng với đó, thị xã còn triển khai mô hình “Thâm canh ứng dụng ICM vào sản xuất giống lúa” tại phường Cheo Reo có 58 hộ tham gia với diện tích 10 ha, sử dụng giống TH6. Anh Siu Chức (buôn Banh, phường Cheo Reo) bộc bạch: “Lần đầu tiên tham gia mô hình, tôi được hỗ trợ 70% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, lượng giống tôi sử dụng giảm 5 kg/sào, tiết giảm đáng kể chi phí đầu tư sản xuất”.

Hướng phát triển bền vững

Vụ mùa 2021, khu vực phía Đông Nam tỉnh gieo sạ gần 15.000 ha lúa, trong đó, huyện Phú Thiện hơn 6.500 ha, huyện Ia Pa hơn 3.300 ha, thị xã Ayun Pa hơn 1.400 ha và huyện Krông Pa khoảng 3.400 ha. Các địa phương đã triển khai kế hoạch gieo sạ xuống từng xã, phường, thị trấn, tập trung xuống giống đồng loạt từ ngày 10 đến 30-6. Đến thời điểm hiện tại, người dân đã xuống giống trên 90% diện tích.

Ảnh: Vũ Chi
Huyện Ia Pa triển khai cánh đồng lúa lớn một giống tại 5 xã: Ia Broăi, Ia Tul, Ia Trok, Ia Ma Rơn và Chư Răng với diện tích gần 1.000 ha. Ảnh: Đức Thụy


Theo ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa: Toàn huyện triển khai cánh đồng lúa lớn một giống tại 5 xã: Ia Broăi, Ia Tul, Ia Trok, Ia Ma Rơn và Chư Răng với diện tích gần 1.000 ha. Thực tế cho thấy, tuy là vùng thuần nông nhưng sản xuất lúa lâu nay còn manh mún, nhỏ lẻ. Trên cùng một cánh đồng, việc có nhiều giống lúa dẫn đến kỹ thuật canh tác và thời gian thu hoạch khác nhau, nhiều sâu bệnh hại… khiến hiệu quả thấp. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động, tổ chức liên kết với các doanh nghiệp cung ứng giống lúa mới chất lượng để nhiều hộ dân cùng sản xuất trên một cánh đồng sẽ giúp quy trình canh tác cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật được đồng bộ, giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập cho người dân.

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn tại địa phương, ông Lương Văn Hiếu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ma Rơn-cho biết: Ban đầu, nhiều hộ dân còn e ngại, song nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và hiệu quả từ thực tiễn nên bà con tin tưởng và mạnh dạn tham gia. Điểm khác biệt của mô hình này so với sản xuất lúa truyền thống và việc ứng dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng” giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, làm tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả. Từ đó, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích, tăng thu nhập, đời sống người dân được cải thiện.

Ảnh: Đức Thụy
Huyện Phú Thiện triển khai 1.200 ha cánh đồng mẫu lớn tại tất cả các xã, thị trấn. Ảnh: Đức Thụy


Còn ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện thì khẳng định: “Là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất tỉnh, huyện Phú Thiện triển khai 1.200 ha cánh đồng mẫu lớn tại tất cả các xã, thị trấn. Việc triển khai cánh đồng lúa lớn một giống cho thấy hiệu quả rõ rệt về kinh tế và môi trường. Lượng giống bà con sử dụng giảm từ 22 kg lúa/sào xuống còn 13-15 kg/sào, năng suất cao hơn khoảng 1 tấn/ha, kéo theo lợi nhuận tăng 7-10 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. Bên cạnh đó, với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống lúa chất lượng cao nên hạn chế được sâu bệnh, giảm được thuốc bảo vệ thực vật cũng như lượng phân bón nên ít gây ô nhiễm môi trường. Năng suất, chất lượng hạt gạo thì được nâng lên. Vì vậy, đây là cơ sở để phát triển nền nông nghiệp địa phương theo hướng bền vững”.
 

 VŨ CHI
 

Có thể bạn quan tâm