Bạn đọc

Cảnh giác với mật ong giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong bữa cà phê sáng chủ nhật vừa rồi, ông bạn tôi tỏ ra băn khoăn: “Không rõ mình đặt mua mật ong rừng hồi nào mà giờ người ta gọi điện nhắc đến lấy. Gọi điện miết mà không mua thì kỳ quá”. Ngay lập tức, một ông bạn khác liền bảo: “Em cũng vừa nhận được 2 cú điện thoại hẹn để giao mật ong rừng. Từ trước tới giờ, em chưa đặt mua hàng kiểu đó. Nhà đầy mật ong mà mua làm gì”. Sau khi so sánh thì được biết cả 2 trường hợp đều do một số điện thoại gọi tới.
 

Ảnh internet
Ảnh internet

Nghe qua câu chuyện của 2 ông bạn, tôi liền nhớ đến việc một số giáo viên ở TP. Pleiku bị lừa bán mật ong giả diễn ra trước đó. Một trong những nạn nhân (xin được giấu tên) cho biết, trước đó, chị nhận được một cú điện thoại giới thiệu là sinh viên cũ tên là Cường đang công tác tại huyện Kbang. Sau vài câu xã giao, “sinh viên” này bảo: “Hôm trước, cô có nhờ em tìm mua giúp mật ong rừng. Bây giờ, em đã nhờ mua được một ít, loại xịn. Giá chỉ 600 ngàn đồng/lít. Em mang lên cho cô nhé”. Thực sự là cô giáo này không nhớ “sinh viên” Cường và cũng không hề nhớ là mình có nhờ mua mật ong hay không. Tuy nhiên, vì ngại học trò cũ nên cô đồng ý mua 3 lít. Đương nhiên, số tiền cô giáo này bỏ ra cũng không hề nhỏ. “Khi giao hàng, tôi cũng không hỏi rõ cậu ta học lớp gì, khóa nào”-cô cho biết.

Sau khi mua hàng khoảng vài ngày, trong một lần uống cà phê, cô giáo này kể lại câu chuyện của mình cho nhóm bạn đồng nghiệp nghe. Càng trò chuyện, mọi người mới tá hỏa là mình bị lừa. Có người bấm bụng mua đến chục lít với số tiền lên đến nhiều triệu đồng. “Ban đầu, tôi nghĩ chỉ có mình mua mật ong kiểu đó. Không ngờ cả nhóm bạn giáo viên cũng bị lừa với cùng một chiêu trò. Ngay hôm đó, cả nhóm quyết định tống khứ mấy can mật ong giả đã trót mua”-cô giáo thở dài.

Việc lừa bán mật ong rừng giả đã xuất hiện nhiều nơi với những thủ đoạn khác nhau. Tuy nhiên, chiêu trò kể trên mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian gần đây. Theo dự đoán của nhiều người, có thể các đối tượng lừa đảo lần tìm số điện thoại và thông tin cá nhân của bị hại trên trang web của cơ quan, đơn vị hoặc mạng xã hội. Sau khi có được thông tin cá nhân, tùy vào đặc điểm công việc, địa vị xã hội của người bị hại mà đối tượng lừa đảo áp dụng chiêu trò phù hợp.

Đã đến lúc mọi người cần hết sức cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo của bọn tội phạm.

Đức An

Có thể bạn quan tâm