Sau Tết Nguyên đán, người dân cần cảnh giác với nhiều loại hình tội phạm có thể gia tăng và diễn biến phức tạp như nạn trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay mua bán các thiết bị gian lận, cờ bạc bịp,...
Tang vật và các thiết bị cờ bạc bịp bợm bị cơ quan chức năng thu giữ trong một vụ việc sau Tết Tân Sửu. Ảnh: Y.H |
Nhiều chiêu “lừa” tinh vi
Lợi dung những cuộc sát phạt bất tận kéo dài ở các vùng quê, nhiều đối tượng công khai rao bán các thiết bị “cờ bạc bịp” trên mạng xã hội, lôi kéo các con bạc vào bẫy lừa.
Vào cuối tháng 1, Công an quận Nam Từ Liêm phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) đã đột kích và bắt giữ một kho thiết bị cơ bạc bịp có quy mô lớn..
Cụ thể, khi kiểm tra một ngôi nhà nằm trên đường Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 1, công an đã tạm giữ 4 đối tượng cùng số tang vật bao gồm: 26 hộp kính áp tròng; 1 hộp bài máy, 280 bộ bài giấu số; 2 bộ bát đĩa, quân vị, máy rung, 1 bộ bệ chôn dưới đất; 10 máy rung màu đen kiểu dáng điện thoại Nokia; 6 máy rung màu trắng kiểu dáng điện thoại Samsung; 3 áo phông màu đen bên trong gắn máy đổi bài… Đấu tranh tại chỗ, các đối tượng khai nhận đã lập các trang facebook "Bịp Công nghệ cao" và "Thành Phát casino" để đăng tải các bài viết rao bán các thiết bị gian lận đánh bạc nêu trên.
Trung tá Đặng Mạnh Cường - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (Công an quận Nam Từ Liêm) - cho hay, các công cụ gian lận cờ bạc bị thu giữ thực tế không như các trang mạng quảng cáo, rất ít thiết bị có thể sử dụng được. Người dân không nên mua bán các thiết bị này và đây là hình thức lừa đảo.
Ngoài ra, kết thúc kỳ nghỉ Tết, người dân trở lại nơi làm việc, mật độ giao thông tăng cao là cơ hội để nhiều đối tượng trộm cắp, móc túi hoành hành, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người như khu công nghiệp hay trên các phương tiện công cộng.
Cuối tháng 12.2020, Công an thành phố Dĩ An (tỉnh Bình Dương) cũng đã bắt giữ một loạt đối tượng chuyên dàn cảnh, móc túi các công nhân ở Khu công nghiệp Sóng Thần. Theo hồ sơ, các đối tượng trên đã thực hiện trót lọt nhiều vụ trộm cắp tài sản của công nhân. Chúng thường xuất hiện vào giờ tan tầm lúc chiều tối khi công nhân đổ ra đường đông đúc để thực hiện hành vi dùng dao lam rạch túi lấy trộm điện thoại, ví tiền...
Không những vậy, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhiều loại tội phạm mới cũng gia tăng hoạt động với các hình thức như dẫn người vượt biên trái phép hay cò mồi đưa “chui” người dân vào các chùa chiền, di tích bất chấp lệnh cấm. Nhiều đối tượng vì nguồn lợi trước mắt đã ngang nhiên vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng lớn để công tác ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Chỉ tính riêng tại Đồn biên phòng Xín Cái - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Hà Giang thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, theo thống kê sơ bộ từ tháng 12.2020 đến nay, đơn vị đã phát hiện và xử lý 80 vụ việc với tổng cộng 348 người nhập cảnh trái phép.
Ngày 17.2, UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã xử phạt hành chính 2 người dân địa phương bất chấp lệnh cấm, đưa khách vào chùa Hương bằng đường “tiểu ngạch” với giá hơn 1 triệu đồng/người.
Đề phòng tội phạm công nghệ cao
Ngày 17.2, trao đổi với PV Báo Lao Động, Trung tá Đào Trung Hiếu (Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho biết, sau Tết Nguyên đán là thời điểm người dân gia tăng hoạt động đi lại như trở lại nơi làm việc, tham gia các chuyến du xuân, lễ hội. Đây là thời điểm mà tội phạm gia tăng hoạt động và người dân cần có sự cảnh giác cao độ.
“Năm nay do tình hình dịch COVID-19, một số lễ hội có thể dừng tổ chức. Tuy vậy, người dân vẫn cần cảnh giác ở những khu vực tập trung đông người, trên tuyến đường hay phương tiện giao thông công cộng. Bởi các hình thức như trộm cắp, lừa đảo, cướp tài sản có thể gia tăng và diễn biến phức tạp trong thời điểm này" - Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết.
Ngoài ra, gần đây tội phạm công nghệ cao cũng là loại đối tượng điển hình mà người dân cần chú ý đề phòng. Trong thời gian qua, rất nhiều người dùng đã nhận được các tin nhắn giả mạo ngân hàng, thông báo tài khoản đang có vấn đề, cần phải đăng nhập xác minh lại. Tuy nhiên, sau khi làm theo các hướng dẫn, nhiều người dùng đã bị lừa mất rất nhiều tiền.
Bên cạnh đó, một số chiêu thức phổ biến có thể kể đến như: Giả mạo nhân viên ngân hàng gọi điện yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản, thẻ, mật khẩu, mã xác thực OTP để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng điện tử; giả mạo cơ quan điều tra thông báo khách hàng liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để phục vụ điều tra; Giả mạo thông báo trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn và yêu cầu khách hàng chuyển tiền nộp phí trả thưởng...
Trước tình trạng trên, các ngân hàng và cơ quan chức năng liên tục phát đi các cảnh báo cho người dân cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch. Công an TP.Hà Nội khuyến cáo, các trang Web chính thức của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam thường được đăng ký tên miền (.vn) hoặc (.com.vn). Còn các trang web đăng ký tên giống nhưng đuôi khác như (.vip), (.top)... đều là giả mạo.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đề nghị người dân kiểm tra, xác minh kỹ các website, ứng dụng trong các tin nhắn mà người dùng nhận được, kể cả các tin nhắn thương hiệu, tin nhắn từ các đầu số ngắn; tuyệt đối không truy cập vào các website, ứng dụng có nguồn gốc, nội dung không rõ ràng. Khi nhận được tin nhắn có nội dung lừa đảo, giả mạo, đề nghị phản ánh với Cục An toàn thông tin để kịp thời điều phối, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý.
https://laodong.vn/phap-luat/canh-giac-voi-nhieu-loai-toi-pham-no-ro-sau-tet-nguyen-dan-881428.ldo
Theo ĐÌNH TRƯỜNG (LĐO)