Đô thị

Nhịp sống Đô thị

"Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe" trong tương lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau thời gian triển khai thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng liên danh nhà thầu tư vấn vừa tổ chức Hội nghị thống nhất về các nguyên tắc và phương án tích hợp vào quy hoạch để lấy ý kiến. Đáng chú ý, một trong những mục tiêu mà quy hoạch hướng đến là xây dựng Gia Lai trở thành “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”.

Vươn tới hình mẫu nền kinh tế bền vững

Quá trình nghiên cứu về định hướng quy hoạch tích hợp tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được thực hiện trong 2 bước. Trong đó, liên danh nhà thầu tư vấn đã nhiều lần làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương nhằm tạo sự đồng thuận về ý tưởng và chiến lược chính; hoàn thành đánh giá về thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, sử dụng đất, hệ thống đô thị và nông thôn, kết cấu hạ tầng của tỉnh. Trên cơ sở đó, liên danh nhà thầu tư vấn đã hoàn thành các phân tích đánh giá dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh và phác thảo quan điểm, kịch bản, mục tiêu, đột phá, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 Khu vực thắng cảnh Biển Hồ nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Quý
Khu vực thắng cảnh Biển Hồ nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Quý


Theo bà Phạm Thị Nhâm-Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, Chủ nhiệm dự án: Quan điểm phát triển trong 10 năm tới là Gia Lai trở thành hình mẫu của một nền kinh tế phát triển bền vững, lấy sinh thái làm nền tảng cho tăng trưởng, lấy ứng dụng số, chuyển đổi số để rút ngắn khoảng cách và gia tăng chất lượng tăng trưởng; phát triển dựa trên các nguồn lực được phân bổ một cách hợp lý, kết hợp hiệu quả giữa các nguồn lực nhà nước, tư nhân, trong và ngoài nước; phát triển hạ tầng theo hướng đồng bộ, tập trung đảm bảo cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên đi trước một bước; phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường, làm giàu vốn sinh thái.

Mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2030, Gia Lai trở thành tỉnh tiên phong trong chuyển đổi sang nền “kinh tế xanh”, tuần hoàn trên nền tảng số. Hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh, nông nghiệp hữu cơ bản địa có thương hiệu. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường phục vụ nông nghiệp, phát triển dịch vụ logistic, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân; đưa du lịch trở thành ngành “kinh tế xanh”, bền vững, biến Gia Lai thành điểm đến hấp dẫn; tầm nhìn đến năm 2050, Gia Lai trở thành một “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”.

Đặc biệt, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia cho rằng: “Những quan điểm, mục tiêu phát triển này sẽ được thực hiện gắn với 5 chiến lược đột phá về cơ chế chính sách, nhân lực, hạ tầng giao thông kết nối, mạng lưới sinh thái và hình thành các cụm liên kết ngành dựa trên hệ sinh thái, chiến lược đột phá hành lang phát triển và các cực tăng trưởng. Chúng tôi dựa vào nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, định hướng của Trung ương đối với vùng Bắc Tây Nguyên để đưa ra những chiến lược cụ thể giúp Gia Lai phấn đấu đạt các mục tiêu kinh tế-xã hội, kết cấu hạ tầng, môi trường”.

Chủ nhiệm dự án phân tích thêm: Theo định hướng quy hoạch quốc gia về phát triển hạ tầng giao thông, sau năm 2030, Gia Lai mới xây dựng tuyến đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku-Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Tuy nhiên, hành lang quốc lộ này rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, được xem là điểm tựa kết nối vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Vì vậy, trong quy hoạch, chúng tôi kiến nghị cho phép tỉnh phát triển trước năm 2030; đồng thời, mở rộng, nâng cấp Cảng Hàng không Pleiku đạt tiêu chuẩn 4C, có chuyến bay quốc tế. Đây là các yếu tố rất quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế của tỉnh; hình thành trung tâm logistic hỗ trợ kết nối sản phẩm nông sản với thị trường tốt hơn. Ngoài ra, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, chúng tôi đưa ra mô hình cấu trúc không gian Gia Lai “1 tâm, 3 trục, 2 vùng, 1 cửa ngõ”, trong đó, lấy TP. Pleiku làm trọng điểm kết nối các huyện phụ cận, vùng kinh tế động lực thông qua các tuyến quốc lộ 14, 19, 25; ưu tiên phát triển kinh tế lâm nghiệp, nông nghiệp xanh có giá trị kinh tế cao đối với 2 vùng sinh thái phía Đông, phía Tây và cửa ngõ Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-mắt xích quan trọng hành lang xuyên Á Đông-Tây, cửa ngõ kết nối Nam Trung Bộ, Tây Nguyên...

Nhiều vấn đề cần hoàn thiện

Về phương hướng phát triển hạ tầng giao thông, ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-thông tin: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) về việc thu hút các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng vùng động lực đã thống nhất phát triển cao tốc Quy Nhơn-Pleiku-Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Nếu bằng nguồn ngân sách thì thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, còn nếu huy động được nguồn lực khác, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài thì sẽ đẩy nhanh hơn tiến độ phát triển hệ thống đường bộ này. Về cấu trúc không gian vùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung thêm 1 cửa ngõ, 1 vùng sinh thái và trục hành lang kinh tế quốc lộ 14C thành “1 trọng điểm, 2 cửa ngõ (Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Cảng Hàng không Pleiku), 3 vùng sinh thái (phía Đông Bắc, Đông Nam và phía Tây), 4 hành lang động lực (quốc lộ 14, 19, 25 và 14C)”; đồng thời phát triển tuyến giao thông liên vùng kết nối đường Trường Sơn Đông đi Ea Hleo (tỉnh Đak Lak).

 Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Nguyễn
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Nguyễn


Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho rằng: Việc lựa chọn số liệu cuối năm 2020 để đánh giá hiện trạng là không phù hợp. Do vậy, đơn vị tư vấn cần cập nhật lại để định hướng phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 một cách chuẩn xác hơn. “Hơn nữa, theo phương án phát triển vùng huyện, quy hoạch trên cho rằng huyện Kông Chro nằm ở vùng kinh tế phía Đông của tỉnh, có quỹ đất rộng lớn, thuận lợi để bố trí không gian phát triển các ngành công nghiệp thủy điện, phát triển du lịch. Nhưng theo tôi, huyện không còn cơ hội phát triển nữa mà chỉ duy trì 3 thủy điện hiện có. Nên chăng là bổ sung mục tiêu phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để khai thác điện mặt trời, điện gió. Về du lịch thì tiềm năng du lịch sinh thái của huyện thua xa các huyện khác nên khó định hướng phát triển được”-ông Ẩn nêu ý kiến.

Liên quan đến phương án phát triển vùng, ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho hay: Ia Grai là huyện biên giới có vị trí địa lý khá đặc biệt: một đầu tiếp giáp với TP. Pleiku, rất thuận lợi cho việc đầu tư phát triển kinh tế; một đầu tiếp giáp với huyện Đức Cơ, kết nối với Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai đề nghị phân chia thành 2 vùng để phát triển, trong đó, một vùng tận dụng ảnh hưởng từ đô thị TP. Pleiku, một vùng tăng cường kết nối, phát triển dịch vụ nhờ lợi thế lan tỏa từ các hoạt động thương mại biên giới, khu kinh tế cửa khẩu. Ngoài ra, ông Hưng đề nghị đơn vị tư vấn cập nhật, bổ sung các nghị quyết chuyên đề của huyện về phát triển đô thị; phát triển cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; du lịch; nông thôn mới, xử lý nước thải để có định hướng phát triển của huyện tốt hơn. Đồng thời, bổ sung phương án phát triển lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến vì hiện nay số lượng nhà đầu tư đang phát triển trồng rừng trên địa bàn huyện cũng như tỉnh là rất lớn.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lương Thanh Bình tham gia góp ý với đơn vị tư vấn về các nội dung liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường. Ảnh: Minh Nguyễn
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lương Thanh Bình tham gia góp ý với đơn vị tư vấn về một số nội dung liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường. Ảnh: Minh Nguyễn


Bên cạnh đó, liên quan đến lĩnh vực tài nguyên-môi trường, ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-cho rằng: Liên danh nhà thầu tư vấn chỉ mới dừng lại ở việc cập nhật các số liệu hiện có do đơn vị cung cấp, chưa thực hiện đánh giá số liệu, đề xuất các giải pháp. Về phương án bảo vệ, thăm dò khai thác tài nguyên khoáng sản, đơn vị tư vấn phải kiểm tra thực tế mỏ, khảo sát sơ bộ, đánh giá trữ lượng tài nguyên thì mới đưa ra định hướng phù hợp. Đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, việc quy hoạch bãi rác, khu xử lý chất thải rắn, nguy hại phải có sự đồng ý của các địa phương thì mới bố trí được quỹ đất. “Đề nghị các đơn vị tư vấn làm việc trực tiếp với Sở Tài nguyên và Môi trường. Chúng tôi sẵn sàng tham gia để việc định hướng quy hoạch liên quan đến lĩnh vực này tốt hơn”-ông Bình đề xuất.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, nêu ý kiến đóng góp thêm vào quy hoạch, đồng thời đề nghị liên danh nhà thầu tư vấn làm rõ thêm một số định hướng về phát triển ngành y tế; giáo dục và đào tạo; công nghiệp chế biến gắn với nông nghiệp, hạ tầng, du lịch; phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức; nhận diện một số vấn đề chính về các chỉ tiêu được đưa ra trên các lĩnh vực được đề cập trong quy hoạch; các nội dung liên quan đến chiến lược phát triển dành cho các huyện, thị xã, thành phố; đề xuất xây dựng thương hiệu nhận diện của tỉnh; phương án phân vùng và tổ chức không gian, lãnh thổ… Các sở, ngành, địa phương cũng đề nghị liên danh nhà thầu tư vấn làm việc trực tiếp để có sự tham gia thống nhất trong việc đưa ra định hướng phát triển lĩnh vực của ngành, địa phương một cách sát sườn nhất và có tính khả thi cao.

 

 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm