TN - Đất & Người

Cao su Chư Sê khẳng định "thương hiệu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi còn là người giúp việc cho Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ, tôi đã vài ba lần tháp tùng ông về thăm và làm việc với lãnh đạo Công ty Cao su Chư Sê (nay là Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê). Trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum lúc bấy giờ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ là một trong những người “say mê” cây cao su. Mặc cho khi ấy còn khá nhiều ý kiến trái chiều về chuyện trồng cây cao su trên vùng đất Gia Lai-Kon Tum (như liệu loại cây “vàng trắng” này có thể phát triển được trên vùng đất dốc, có độ cao khá lớn so với mực nước biển hay không, rồi chuyện có thích ứng được với khí hậu, thời tiết, nhất là nắng và gió của Tây Nguyên...), ông vẫn cho rằng cao su sẽ giúp vùng đất Tây Nguyên phát triển.
Cho đến thời điểm cuối năm 1984, ngoài Nông trường Cao su Ia Nhin (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah ngày nay), Chư Sê là huyện thứ 2 của Gia Lai-Kon Tum được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định chủ trương quy hoạch phát triển cây cao su với quy mô lớn và tập trung, tạo thành vùng chuyên canh. Chủ trương này đã được lãnh đạo Tổng cục Cao su Việt Nam đồng tình ủng hộ và quyết định đầu tư. Một trong những người đồng quan điểm khi ấy là ông Phan Quyết, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Vì vậy, Công ty Cao su Chư Sê nhanh chóng được thành lập ngay trong nửa cuối năm 1984. 
Cây cao su đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên. Ảnh: internet
Nói là đã vài ba lần tháp tùng Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ về thăm và làm việc với lãnh đạo Công ty Cao su Chư Sê, nhưng những lần ấy cũng chỉ là... cưỡi ngựa xem hoa. Chỉ đến khi về nhận công tác tại địa phương này vào cuối năm 1993, tôi mới thật sự hiểu hơn về loài cây mà khi ấy người ta gọi là “vàng trắng”, “cây làm giàu” cho vùng đất vốn bạt ngàn những đồi cỏ đuôi chồn và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm do bom mìn thời chiến tranh sót lại.
Thời điểm cuối năm 1993, Công ty Cao su Chư Sê đã có gần 10 năm hình thành, phát triển và sản xuất kinh doanh khá ổn định, dù nguồn tài trợ từ phía Liên Xô không còn. Việc đầu tư thâm canh, khai thác và xây dựng nhà máy chế biến mủ là một yêu cầu cấp thiết của ngành Cao su nói chung và của Công ty Cao su Chư Sê nói riêng lúc bấy giờ. Cũng may, khi ấy nền kinh tế của ta đã dần chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Với đội ngũ cán bộ trẻ, đứng đầu là anh Nguyễn Quốc Khánh, Công ty Cao su Chư Sê đã khá năng động, sáng tạo, biết khắc phục cái khó, tìm lối vươn ra, không những ổn định vườn cây đã có mà còn tiếp tục mở rộng diện tích. Đến cuối năm 1994, diện tích cây cao su của Công ty trên địa bàn Chư Sê đã lên đến hơn 4.500 ha. Chia sẻ khó khăn với Công ty, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê bấy giờ luôn đồng hành, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương có vùng cao su động viên, vận động bà con dân tộc thiểu số tình nguyện giao đất ở những nơi không thể trồng cây lương thực để phát triển cao su, vận động nam nữ thanh niên vào làm công nhân cho các nông trường.
Rồi cái khó cũng qua đi, giá cả thị trường mủ cao su liên tục tăng và ổn định trong một thời gian khá dài. Sự hình thành và phát triển của ngành Cao su trên địa bàn Gia Lai nói chung, Chư Sê nói riêng đã góp phần đáng kể vào việc xóa đói, giảm nghèo, giúp một bộ phận không nhỏ bà con trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu. Bộ mặt nông thôn trong vùng cao su có nhiều thay đổi tích cực; giao thông nông thôn phát triển, điện lưới quốc gia kéo về hầu hết các thôn, làng. Công ty còn là “bà đỡ” cho địa phương trong phát triển giáo dục, y tế; đảm bảo an ninh trật tự; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày một vững mạnh.
Là một trong những lãnh đạo của huyện bấy giờ, với tôi, những chuyến làm việc với lãnh đạo Công ty Cao su Chư Sê có rất nhiều chuyện đáng nhớ. Thường trực Huyện ủy chúng tôi luôn phân công nhau cùng với Giám đốc Nguyễn Quốc Khánh lội rừng, ngủ làng, thông qua già làng, trưởng thôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con, nhất là gia đình công nhân cao su nhằm động viên, tháo gỡ, giải quyết những thắc mắc, những đề nghị chính đáng của người dân. Có lúc chúng tôi lại cùng Bí thư Đảng ủy Công ty Nguyễn Văn Thẩm tới dự họp với các tổ Đảng ở đội sản xuất, với chi bộ ở nông trường, nghe đảng viên nói và nói những điều cần thiết cho đảng viên nghe, chủ yếu là động viên, nhắc nhở mọi đảng viên cần tiên phong, gương mẫu trong lao động, sản xuất, gần gũi, gắn bó với bà con nơi cư trú; nhất là động viên, giúp đỡ công nhân là người dân tộc thiểu số. Chúng tôi còn thường xuyên gần gũi anh chị em công nhân, người lao động trong Công ty, thông qua tổ chức Công đoàn tiếp xúc, gặp gỡ, động viên, cổ vũ các phong trào quần chúng trong Công ty. Tôi rất ấn tượng với Nguyễn Duy Linh, một Chủ tịch Công đoàn tuổi đời còn khá trẻ, rất năng nổ và tích cực với phong trào thi đua của đơn vị, góp phần quan trọng xây dựng Công ty nói riêng và phong trào địa phương nói chung. Vì thế, liên tục trong nhiều năm, Đảng bộ Công ty Cao su Chư Sê được công nhận là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh.
Hiện nay, theo cơ chế thị trường, giá cả của sản phẩm cao su không ổn định, nhiều năm phải chịu thua lỗ, đời sống của người lao động có lúc gặp khó khăn… Nhưng đó là quy luật của thị trường, nếu biết chấp nhận và tìm ra lối đi cho riêng mình thì chắc chắn ngành Cao su nói chung và Công ty Cao su Chư Sê nói riêng, với bề dày 35 năm kinh nghiệm, sẽ tự khẳng định “thương hiệu” Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới trên vùng đất Gia Lai này!
ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm