Theo đó, Bộ KH-ĐT đề nghị giải trình, làm rõ căn cứ pháp lý, cơ sở của việc thay đổi một số nội dung so với bước nghiên cứu tiền khả thi và chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: hướng tuyến, diện tích sử dụng đất, tăng tổng mức đầu tư...; làm rõ việc thay đổi này có thuộc trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hay không. Đồng thời làm rõ về nguồn thu và khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư. Cụ thể, nghiên cứu, tham khảo mức giá dịch vụ sử dụng và lộ trình tăng giá của dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (mức giá khởi điểm là 1.700 đồng/km/xe), đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT; làm rõ số thuế giá trị gia tăng được hoàn trong phương án tài chính...
Đặc biệt, nghiên cứu, tính toán thời gian hoàn vốn và thời hạn hợp đồng dự án bảo đảm tính khả thi, phù hợp quy định của pháp luật. Bởi thời gian hoàn vốn dự kiến như Báo cáo NCKT 28 năm 7 tháng là khá dài; sẽ gặp khó khăn khi vay vốn từ các tổ chức tín dụng.
Phương án tài chính áp dụng tính toán với mức giá vé 2.000 đồng/xe tiêu chuẩn/km và lộ trình tăng phí 15%/3 năm là khá cao (mức phổ biến tại một số tuyến cao tốc hiện nay 1.500 đồng/xe/km). Ngoài ra, phân tích cụ thể hơn khả năng bố trí 4.500 tỉ đồng vốn ngân sách của Lâm Đồng để tham gia thực hiện dự án.
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 11.2022, chiều dài khoảng 66 km (đoạn qua Lâm Đồng 55 km), bề rộng nền đường 17 m với 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến 17.200 tỉ đồng (vốn nhà nước 6.500 tỉ đồng). Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Tuy nhiên, theo Báo cáo NCKT, dự án với tổng mức đầu tư 18.120 tỉ đồng, trong đó phần vốn nhà nước 6.500 tỉ đồng (T.Ư 2.000 tỉ đồng, tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỉ đồng); phần vốn sở hữu các nhà đầu tư và nguồn vốn huy động khác khoảng 11.620 tỉ đồng.