Tham dự Hội thảo quốc tế "Giáo dục ĐH vì sự phát triển châu Á" có GS-TS Trình Quang Phú, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông; TS Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên; ông Johnson Paul, Giám đốc điều hành Tổ chức đối thoại châu Á (ADS); ông Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh Phú Yên; ông Đào Mỹ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, hơn 40 đại biểu và nhiều đại biểu dự trực tuyến.
Tham luận tại hội thảo (phát biểu trực tuyến), TS Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam chỉ ra 3 chức năng của giáo dục ĐH gồm: Hoàn thiện giáo dục nhân bản, chuẩn bị nghề nghiệp cho sinh viên ra trường và sản sinh ra tri thức, tạo những giá trị mới cho xã hội, cộng đồng.
TS Vũ Ngọc Hoàng cũng chỉ rõ sự cấp thiết của việc thay đổi phương pháp giáo dục ĐH để phù hợp với sự phát triển của thời đại. Đối với giáo dục, phương pháp là quan trọng bậc nhất, có phương pháp tốt mới đạt được mục tiêu.
Hội thảo quốc tế "Giáo dục ĐH vì sự phát triển châu Á". Ảnh TRẦN BÍCH NGÂN |
Dạy sinh viên cách học, cách tự học chủ động và tích cực
Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, giáo dục Đông Nam Á còn khá nặng về phương pháp giảng dạy truyền thụ kiến thức. Cách dạy này vô tình khiến kinh nghiệm của thế hệ trước đã làm giới hạn thế hệ sau, học trò phải theo thầy, giống thầy và cố gắng bằng thầy, thầy là giới hạn đạo lý và khoa học của học trò.
TS Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, trước sự phát triển và tiến bộ của khoa học kỹ thuật công nghệ, thông tin nhiều chiều, liên tục va chạm, tác động lẫn nhau tạo nên những thông tin mới, kiến thức chồng chất lên theo cấp số nhân, thì cách dạy và học truyền thống không còn phù hợp nữa.
"Chúng ta phải dạy sinh viên cách học, cách tự học, chủ động và tích cực trang bị kiến thức một cách thường xuyên và liên tục theo những mục tiêu mong muốn và có lựa chọn. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật công nghệ dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, thị thường, tác động đến sự chuyển đổi nghề nghiệp nhiều lần trong một người, vì vậy đào tạo ĐH cần quan tâm đáng kể những kiến thức và năng lực nền tảng cơ bản", TS Vũ Ngọc Hoàng nói.
Trung tướng, PGS-TS Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, phát biểu tham luận. Ảnh TRẦN BÍCH NGÂN |
TS Vũ Ngọc Hoàng còn cho biết thêm: "Công nghệ thông tin sẽ tiếp tục phát triển và dần dần sẽ thay đổi căn bản phương thức hoạt động của con người trong thế giới hiện đại. Công nghệ thông tin cung cấp phương tiện, điều kiện để tự học và học tập suốt đời, là nhân tố hàng đầu tổ chức lại công việc dạy và học cho hiệu quả cao, thay thế một phần việc của người thầy trong truyền thụ kiến thức. Công nghệ thông tin và môi trường kỷ nguyên thông tin sẽ là một trong những 'người thầy' truyền thụ quan trọng nhất để sinh viên tự học".
"Người thầy truyền thụ kiến thức ngày xưa sẽ trở thành người hướng dẫn và tổ chức quá trình học cho sinh viên, kể cả sự tự học của mỗi người và học theo nhóm nhằm phát triển năng lực tư duy và năng lực hành động", TS Vũ Ngọc Hoàng lưu ý.
Nhiều vấn đề được các chuyên gia đặt ra tại buổi hội thảo. Ảnh TRẦN BÍCH NGÂN |
TS Lý Thị Mai, Giám đốc Trung tâm tâm lý học ứng dụng TP.HCM, trình bày tham luận. Ảnh TRẦN BÍCH NGÂN |
Xu hướng giáo dục ĐH tại châu Á
Tại hội thảo, đại biểu đã trình bày các tham luận với nhiều chủ đề phản ánh sâu về xu hướng giáo dục ĐH tại châu Á như: Cách mạng công nghệ lần thứ 4 và vấn đề đặt ra đối với đổi mới giáo dục ĐH; Xu thế và yêu cầu giáo dục ĐH vì sự phát triển châu Á; Phát triển năng lực giảng viên tại các trường ĐH Việt Nam; Liên kết đào tạo ĐH trong nhóm ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và bán dẫn đáp ứng nhu cầu giáo dục ĐH Việt Nam vì sự phát triển châu Á.
Các đại biểu nhận định, để có nền kinh tế châu Á phát triển thì yếu tố con người là quyết định. Châu Á đang và sẽ cần một lực lượng làm việc có trình độ cao, nhất là trong lĩnh vực công nghệ điện tử, công nghệ xanh, công nghệ chíp. Giáo dục ĐH phải đổi mới để đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc với nền kinh tế, công nghệ mới ở châu Á.
Theo kế hoạch, Hội thảo quốc tế "Giáo dục ĐH vì sự phát triển châu Á" sẽ kết thúc vào ngày 23.7.