Bạn đọc

Câu chuyện giáo dục: Bài học về giáo dục con cái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dạy con tưởng chừng là việc dễ dàng nhưng trong thực tế không phải vậy. Ngoài cái “uy quyền” của đấng sinh thành, việc dạy dỗ con cái còn là nghệ thuật thu phục nhân tâm và sự am tường về tâm lý lứa tuổi cộng với tình yêu vô bờ bến. Quan niệm “thương cho roi cho vọt” đã không còn thích hợp với giai đoạn hiện tại và không đúng với khoa học giáo dục. Với truyền thống văn hóa của người Á Đông, hầu hết các gia đình đều yêu thương con cái một cách thái quá, thiếu lý trí và bản lĩnh nên thường tạo ra cho đứa trẻ nhiều thói xấu như: ích kỷ, phụ thuộc, thiếu tự chủ, mờ nhạt về tính cách…
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong thời buổi kinh tế thị trường, đa phần gia đình Việt Nam đều bận rộn với việc mưu sinh nên không có thời gian chăm lo, giáo dục con cái mà thường phó thác cho nhà trường. Các em dường như thiếu vắng sự dìu dắt bằng chính bàn tay của mẹ cha. Đó là sự thiệt thòi lớn trong quá trình hoàn thiện nhân cách ở trẻ, bởi vì gia đình là một trong những môi trường quan trọng nhất để các em trưởng thành. Giáo dục bằng chính truyền thống gia đình là một trong những điều mà người Việt ngày nay vẫn còn áp dụng đối với con cháu. Trong thực tế, nhiều gia đình, dòng họ đã tạo nên niềm tự hào cho các thế hệ trẻ tiếp nối. Họ không trói buộc bằng “gia phong” phong kiến kiểu “tam tòng-tứ đức” mà bằng chính hành động gương mẫu của các bậc trưởng lão, những phụ huynh có nhân cách, có sức thuyết phục cao đối với thế hệ trẻ. Trong chính cái nôi văn hóa gia đình đó, các em thường được nuôi dưỡng ý chí và tình yêu lớn lao. Những đứa trẻ ấy lớn lên bao giờ cũng mạnh mẽ, có tâm hồn thuần khiết và tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn. Cội nguồn cũng từ đó mà nảy mầm, bén rễ sâu, khó mất gốc dù có phiêu bạt nơi chân trời góc bể.

Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Yêu con đến con gà mái cũng biết yêu”. Bởi vậy, các bậc làm cha mẹ cần điều khiển con tim mình một cách thông minh nhất để tình yêu đó mãi là cứu cánh, là bệ phóng để con em trở thành “người khổng lồ” trên chính đôi vai của mình.

Tìm hiểu và nghiên cứu một số phương pháp giáo dục con cái thành công ở xã hội Việt Nam, chúng ta thấy một trong những yếu tố quan trọng là xác định vị trí, vai trò của cha mẹ đối với con cái, đó là người cầm cân nảy mực đầy uy quyền phán xét hay là những người thầy, người bạn thân thiết, biết sẻ chia với các con mình mọi lúc, mọi nơi. Có 2 hình mẫu về bà mẹ mà các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu như một bài học sinh động về phương pháp dạy con ngay từ lúc còn ấu thơ, đó là mẹ của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam và mẹ của nhà toán học Ngô Bảo Châu. Ở 2 bà mẹ này đều có chung một ý tưởng là luôn xem con là người bạn nhỏ trong gia đình. Từ vị trí là những “người bạn” chân tình nhất thì cách xử sự trong mối quan hệ này đã vượt qua ranh giới người trên-kẻ dưới, người điều khiển-người bị điều khiển mà chỉ còn lại sự bình đẳng một cách tương đối trong lối ứng xử ở gia đình với sự tôn trọng giữa 2 chủ thể. Từ đây, các bà mẹ luôn luôn đóng vai trò là bệ đỡ, là điểm tựa tinh thần để những đứa con của mình lớn khôn một cách đầy tự tin, phát huy đầy đủ sở trường của bản thân. Ở đây, lòng chân thành, đức tính trung thực và sự tự giác được đặt lên hàng đầu. Những biểu hiện dối trá, phỉnh nịnh đều không có đất sống. Những đứa trẻ lớn lên trong một môi trường trong lành, được tôn trọng thật sự với một tình yêu chân thành, đầy lý trí của người mẹ hiền.

Bà Phan Hồ Điệp-mẹ của Đỗ Nhật Nam rút ra mấy vấn đề để các bậc phụ huynh tham khảo trong cách dạy con. Đó là, trong quá trình đồng hành cùng con, không nên khen sản phẩm mà khen vào sự nỗ lực vươn lên của con; không nên so sánh con mình với con người khác; không nhấn mạnh vào những phẩm chất của con; nên khen cả những thứ con không để ý; truyền đạt lại lời khen của người khác đối với con…

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm