Xã hội

Lao động - Việc làm

“Cầu nối” doanh nghiệp và đoàn viên, người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nhằm nâng cao nhận thức, đảm bảo mối quan hệ hài hòa, ổn định giữa người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ), thời gian qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm trang bị kiến thức về pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho đoàn viên (ĐV), NLĐ.

Đối thoại để thấu hiểu

Anh Lê Văn Thà đã có hơn 17 năm gắn bó với Công ty TNHH một thành viên Thùy Dung Gia Lai (459 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku). Vào thứ năm hàng tuần, anh cùng các công nhân được tham gia họp với Ban Giám đốc Công ty để trao đổi công việc. Theo đó, những vướng mắc, khó khăn, nhất là chế độ, chính sách của người lao động được doanh nghiệp giải quyết kịp thời.

“Thực tế, nhiều ĐV, NLĐ chưa hiểu rõ các chế độ cũng như quyền lợi của mình. Qua những buổi họp, chúng tôi được lãnh đạo Công ty thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các quy định trong lao động hợp đồng; đồng thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc. Nhờ đó, chúng tôi hiểu rõ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình”-anh Thà chia sẻ.

Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên phối hợp với Công đoàn cơ sở Chi nhánh Công ty TNHH O Lam Gia Lai tuyên truyền pháp luật và tặng quà cho ĐV, NLĐ. Ảnh: Đinh Yến

Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên phối hợp với Công đoàn cơ sở Chi nhánh Công ty TNHH O Lam Gia Lai tuyên truyền pháp luật và tặng quà cho ĐV, NLĐ. Ảnh: Đinh Yến

Ông Nguyễn Văn Thảo-Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH một thành viên Thùy Dung Gia Lai-cho biết: Hàng tuần, Ban Giám đốc đều họp trực tiếp với 45 lao động để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết những vấn đề phát sinh (nếu có). Còn trong nhóm Zalo, ngoài trao đổi công việc, Công ty thường xuyên cập nhật các văn bản, quy định mới liên quan đến NLĐ, nhắc nhở họ thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ, tạo môi trường lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, hạn chế tình trạng xung đột trong mối quan hệ với người sử dụng lao động.

Hình thức đối thoại cũng được Chi nhánh Công ty TNHH Olam Gia Lai (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) thường xuyên tổ chức. Mỗi năm, Công ty tổ chức hàng chục cuộc tuyên truyền, đối thoại. Bà Nguyễn Thị Mai Lan-Chủ tịch Công đoàn cơ sở Chi nhánh Công ty-cho hay: Qua các buổi trao đổi trực tiếp, NLĐ được nâng cao nhận thức, giúp họ tránh được tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết; ngăn chặn các vụ bãi công, đình công trái pháp luật; hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, an ninh trật tự tại doanh nghiệp, nơi cư trú, khu tập thể hay khu nhà trọ công nhân. Không chỉ vậy, với hơn 85% NLĐ là nữ, Công ty đặc biệt quan tâm tới việc truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em.

Còn theo chị Mai Lương Thùy-công nhân tổ vỏ lụa Chi nhánh Công ty TNHH Olam Gia Lai thì: “Tôi làm việc tại Công ty được 8 năm. Những năm qua, Công ty luôn phổ biến các quy định mới về lao động, đảm bảo các chế độ đãi ngộ, quyền lợi cho ĐV, NLĐ như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hộ lao động…”.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, trong 7 tháng năm 2023, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức 1.355 buổi tọa đàm, sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao trong ĐV, NLĐ. Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Công đoàn đến 47.092 lượt ĐV, NLĐ. Có 36.303 lượt ĐV, NLĐ được tuyên truyền, vận động tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

Bám sát quyền lợi ĐV, NLĐ

Dù đạt được nhiều kết quả song theo các doanh nghiệp, việc nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ ĐV, NLĐ vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Vinh-Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh-thông tin: Hiện nay, Khu Kinh tế tỉnh có 40 doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong đó có 27 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn với hơn 2.200 ĐV, NLĐ. Tuy nhiên, trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của đội ngũ ĐV, NLĐ không đồng đều. Điều này đòi hỏi những người làm công tác tuyên truyền phải đổi mới phương pháp để đảm bảo khả năng tiếp cận cho ĐV, NLĐ.

Thứ năm hàng tuần, Ban Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thùy Dung Gia Lai tổ chức họp trao đổi công việc với NLĐ. Ảnh: Đ.Y

Thứ năm hàng tuần, Ban Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thùy Dung Gia Lai tổ chức họp trao đổi công việc với NLĐ. Ảnh: Đ.Y

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ĐV, NLĐ trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước là “cầu nối” đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ, đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Vì vậy, tổ chức Công đoàn tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, qua đó góp phần nâng cao nhận thức sâu rộng cho đội ngũ ĐV, NLĐ.

Còn ông Nguyễn Lê Toán-Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần May Gia Lai thì cho biết: “Hàng tháng, Công ty tổ chức đối thoại với ĐV, NLĐ. Qua buổi đối thoại, chúng tôi nắm bắt và kịp thời giải đáp những ý kiến, kiến nghị của ĐV, NLĐ để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Tuy nhiên, để công tác tuyên truyền pháp luật cho ĐV, NLĐ đạt hiệu quả, Công đoàn cấp trên cần quan tâm hướng dẫn nội dung, thay đổi phương pháp tuyên truyền”.

Đề cập vấn đề nâng cao chất lượng tuyên truyền, ông Đỗ Xuân Quý-Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Pleiku-cho rằng: Trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nội dung cần tập trung hướng mạnh vào các vấn đề mà ĐV, NLĐ quan tâm như: việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, phúc lợi ĐV.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trần Lệ Nhung, thời gian tới, đơn vị sẽ đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hơn nữa, lựa chọn các hình thức phù hợp như: tuyên truyền miệng, bằng văn bản, qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, tọa đàm, đối thoại… Nội dung tuyên truyền liên quan đến NLĐ, tổ chức Công đoàn nhằm góp phần củng cố và nâng cao nhận thức về giai cấp công nhân, về Đảng, về Công đoàn, năng lực tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao trình độ, kỹ năng, hiểu biết pháp luật, kỷ luật lao động... ứng dụng công nghệ thông tin vào giám sát chất lượng công tác truyền thông bằng sản phẩm cụ thể, số liệu cụ thể để ĐV, NLĐ tiếp thu, áp dụng vào công việc, cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm