Kinh tế

Nông nghiệp

“Cầu nối” hỗ trợ hợp tác xã phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm kết nối, hỗ trợ các HTX trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng đến phát triển kinh tế tập thể địa phương bền vững.

Tích cực hỗ trợ các HTX

Toàn tỉnh hiện có 504 tổ hợp tác với 4.435 tổ viên; 2 liên hiệp HTX nông nghiệp, 388 HTX cùng 6 quỹ tín dụng nhân dân với tổng số thành viên tham gia khoảng 18.163 người. Trong đó, 308 HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 79,3%) với các dịch vụ như: thủy lợi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi gia súc, trồng hồ tiêu, cà phê, chanh dây; số còn lại hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, thương mại, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp… Các HTX đã giải quyết việc làm ổn định cho 1.847 lao động địa phương. Tổng số vốn điều lệ của các HTX hiện nay đạt gần 805 tỷ đồng; doanh thu đạt gần 127 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hàng năm gần 2,9 tỷ đồng.

Sản phẩm gạo Phú Thiện của HTX Nông nghiệp Chư A Thai được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Ảnh: Nguyễn Diệp

Sản phẩm gạo Phú Thiện của HTX Nông nghiệp Chư A Thai được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Nguyễn Mậu Phong-Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh-cho biết: Trong năm 2022, giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX. Nhưng nhờ chủ động sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, liên kết với các doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương nên các HTX vẫn duy trì sự phát triển. Đặc biệt, nhiều HTX khai thác những loại nông sản thế mạnh đầu tư xây dựng sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị và thu nhập như: HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa), HTX Mật ong Phương Di (huyện Ia Grai), HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (huyện Mang Yang), HTX Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện)... Các HTX tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các diễn đàn, hội chợ trong và ngoài tỉnh. Liên minh HTX tỉnh đã trở thành “cầu nối” khi mời các doanh nghiệp ngoài tỉnh về khảo sát, kết nối với các HTX nông nghiệp tìm hướng phát triển trong thời gian tới.

Ông Trịnh Quang Hải-Giám đốc HTX Nông nghiệp Thảo Nguyên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) cho hay: “Hợp tác xã đã xây dựng thành công các sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh như cao đinh lăng, hạt mắc ca. Hiện nay, Liên minh HTX tỉnh đang kết nối với Công ty TNHH một thành viên Thương mại và đầu tư kinh tế hợp tác (tỉnh Quảng Nam) về khảo sát liên kết cung ứng vật tư đầu vào và kết nối xúc tiến thương mại đầu ra các sản phẩm nông sản của HTX. Nếu thuận lợi, việc này sẽ mở ra cơ hội để HTX phát triển mạnh trong thời gian tới”.

Tương tự, bà Lê Thị Quỳnh Trang-Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Tiến (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) thông tin: Liên minh HTX tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ HTX như mời tham gia các lớp đào tạo, tập huấn trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, hướng dẫn các HTX tiếp cận vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam. Có thể nói, Liên minh HTX là “cầu nối” quan trọng để các HTX tiếp cận như chủ trương, chính sách mới, qua đó có hướng phát triển bền vững.

Nâng cao chất lượng hoạt động của HTX

Cùng với tuyên truyền, vận động thành lập các HTX kiểu mới hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh chú trọng khảo sát hoạt động sản xuất kinh doanh, phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê những HTX ngừng hoạt động hoặc không chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, hoạt động kém hiệu quả để tìm hướng giải quyết phù hợp. Theo đó, đến nay, toàn tỉnh có 47 HTX ngừng hoạt động, 23 HTX chưa chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 và 13 HTX nông nghiệp giải thể.

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh sản xuất rau, quả giống phục vụ người trồng rau tại xã An Phú và các vùng lân cận. Ảnh: Nguyễn Diệp

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh sản xuất rau, quả giống phục vụ người trồng rau tại xã An Phú và các vùng lân cận. Ảnh: Nguyễn Diệp

Toàn tỉnh hiện có 41 HTX nông nghiệp và dịch vụ có sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao cấp tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh cho biết thêm: Để các HTX của tỉnh hoạt động ổn định, nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ các HTX làm hồ sơ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; giải ngân vốn giải quyết việc làm cho các thành viên HTX Nông nghiệp-dệt thổ cẩm Glar (huyện Đak Đoa). Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số… Tuy nhiên, hiện nay, nhiều HTX thiếu vốn đầu tư sản xuất, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa theo kịp nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn của đội ngũ quản lý các HTX còn hạn chế dẫn đến hiệu quả quản lý, điều hành chưa cao. Đặc biệt, các HTX của tỉnh còn thiếu liên kết, học tập phát triển kinh tế lẫn nhau, liên kết giữa HTX với HTX và doanh nghiệp vẫn còn ít…

“Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan của tỉnh và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể. Tư vấn thành lập mới ít nhất 27 HTX; tổ chức đào tạo sơ cấp nghề giám đốc HTX cho khoảng 35 người. Tổ chức gặp mặt các HTX để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Phát triển mô hình liên kết giữa HTX với người dân và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương. Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các công ty xây dựng kế hoạch đưa cán bộ trẻ có năng lực về làm việc tại HTX; phối hợp với các địa phương thống kê, rà soát những HTX ngưng hoạt động, không chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 để giải thể”-Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh thông tin.

Có thể bạn quan tâm