Kinh tế

Nông nghiệp

“Cầu nối” phát triển nông nghiệp bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) được thành lập theo Quyết định số 465/QĐ-UBND ngày 30-5-1994 của UBND tỉnh Gia Lai với nhiệm vụ làm “cầu nối” để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Trong 29 năm qua, Trung tâm luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững.

Đa dạng hóa mô hình khuyến nông

Những năm đầu mới thành lập, Trung tâm Khuyến nông tỉnh có 3 trạm khuyến nông vùng ở An Khê, Chư Sê và Ayun Pa. Qua quá trình hình thành và phát triển, đến nay, hệ thống khuyến nông đã hiện diện ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Một trong những điểm nhấn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh là đã tổ chức đào tạo được 800 khuyến nông viên cấp cơ sở để phục vụ việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân áp dụng vào sản xuất.

Ngoài ra, từ các nguồn vốn hỗ trợ khác nhau, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình như: đưa giống cà phê mới TR1, TR4, TR9 có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; ghép cải tạo cà phê năng suất thấp; xây dựng mô hình sản xuất cà phê có chứng nhận 4C; xây dựng mô hình phát triển cà phê đặc sản, cà phê cảnh quan và cà phê hữu cơ; mô hình trồng hồ tiêu áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; phục hồi vườn hồ tiêu chết chậm bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp...

Cùng với đó, Trung tâm triển khai thực hiện nhiều mô hình về cây ăn quả, mía, điều, lúa nước, bắp lai, mì; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới về lai cải tạo đàn bò, heo, gia cầm, chuyển từ chăn nuôi phân tán, quảng canh sang chăn nuôi trang trại tập trung.

Đồng thời, hỗ trợ nhiều máy làm đất, máy gặt rải hàng, máy gặt đập liên hợp tạo động lực thúc đẩy người dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng loại cây trồng.

Mô hình khảo nghiệm giống lúa TBR39 tại làng Klăh (xã Ia Der, huyện Ia Grai) trong vụ Đông Xuân 2022-2023. Ảnh: Nguyễn Diệp

Mô hình khảo nghiệm giống lúa TBR39 tại làng Klăh (xã Ia Der, huyện Ia Grai) trong vụ Đông Xuân 2022-2023. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: Trong những năm qua, cùng với các nguồn lực hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, UBND huyện đã giao ngành nông nghiệp xây dựng nhiều mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trình diễn thâm canh cây lúa nước; hỗ trợ phân lân rửa chua phèn trên đồng ruộng; vườn ươm giống cây bời lời xã Hà Đông; ươm giống cà phê hỗ trợ các xã, thị trấn tái canh; hỗ trợ giống keo trồng rừng…

Không những vậy, các mô hình hỗ trợ chăn nuôi heo địa phương, heo siêu nạc; lai cải tạo đàn bò, nuôi bò lai sinh sản; chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trên cây ăn quả, cây mắc ca đã giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo bước đột phá để ngành nông nghiệp huyện phát triển theo hướng bền vững.

Còn ông Lưu Hoài Hưng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông-cho hay: Từ năm 2013 đến 2023, huyện đã đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng để thực hiện 4 mô hình chăn nuôi và 19 mô hình trồng trọt; mở 48 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân các xã, thị trấn. Hiện nay, nhiều mô hình phát huy hiệu quả cao đang tiếp tục được nhân rộng tại các xã, thị trấn góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Kỳ vọng chương trình mới

Kể từ khi thành lập, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật mới cho người dân tiếp cận áp dụng vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic, hữu cơ, 4C, UTZ và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hoạt động khuyến nông của tỉnh đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Hoàng Thi Thơ-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh-cho biết: Các chương trình, dự án khuyến nông đã góp phần giúp ngành nông nghiệp tỉnh chuyển từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất tập trung, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa gắn với xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến. Nhờ đó, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Gia Lai đang mang lại giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, gỗ rừng trồng.

“Dù vậy, hoạt động khuyến nông của tỉnh vẫn còn những khó khăn như các mô hình khuyến nông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn ít do cơ chế góp vốn đối ứng khiến nhiều hộ không đủ điều kiện tham gia. Bên cạnh đó, mạng lưới khuyến nông cơ sở không còn, gây khó khăn cho hoạt động tuyên truyền, vận động; kinh phí xây dựng mô hình còn ít, vốn bố trí các chương trình khuyến nông còn chậm so với thời vụ một số loại cây trồng, vật nuôi dẫn đến không kịp tiến độ”-ông Thơ cho hay.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông tham quan mô hình trồng chanh dây VietGAP. Ảnh: Nguyễn Diệp

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông tham quan mô hình trồng chanh dây VietGAP. Ảnh: Nguyễn Diệp

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Trong thời gian tới, ngành khuyến nông tỉnh tiếp tục xây dựng các chương trình, dự án chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân áp dụng vào sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ. Thông tin sát với thị trường, áp dụng cơ giới hóa, phát huy hơn nữa vai trò cầu nối trong liên kết 4 nhà. Đồng thời, tiếp tục bám sát giải pháp của chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng bền vững giai đoạn 2021-2030. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như khuyến nông. Thực hiện hiệu quả các chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, tập trung thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như đề án khuyến nông cộng đồng”.

Có thể bạn quan tâm