Kinh tế

Nông nghiệp

Cây ăn quả trên núi Đá Lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với đặc trưng đất đỏ bazan màu mỡ, núi Đá Lửa đã trở thành nơi canh tác từ bao đời nay của người dân thôn An Định (xã Cư An, huyện Đak Pơ). Tận dụng 585 ha diện tích, ngoài sản xuất cây ngắn ngày, những năm gần đây, nhiều người đã tích cực chuyển đổi, đưa các loại giống cây ăn quả mới vào trồng, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.

Nhân rộng mô hình cây na dai

Nhận thấy cây na dễ trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng na, trong đó có gia đình ông Nguyễn Văn Phước (thôn An Định). Gia đình ông có 4 ha na, hàng năm cho sản lượng hơn 20 tấn quả. Với giá bán bình quân 20 ngàn đồng/kg, sau khi trừ các loại chi phí, ông thu về gần 300 triệu đồng/năm.

 

Những cây na sau khi thu hái xong được cắt tỉa tạo tán. Ảnh: N.M
Những cây na sau khi thu hái xong được cắt tỉa tạo tán. Ảnh: N.M

Ông Phước chia sẻ: Mới đầu ông chỉ trồng xen cây na trong vườn xoài, không ngờ cây na hợp điều kiện thổ nhưỡng nên phát triển rất tốt. Từ đó, những diện tích trồng xoài, mì, đậu, bắp đều được ông chuyển sang trồng na. “Năm 2006, tôi cất công vào thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) tìm đến các vườn na lựa mua giống na dai. Sau 3 năm ươm trồng, cây đã cho thu hoạch”-ông Phước chia sẻ thêm.

Trong quá trình chăm sóc, ông Phước thường xuyên áp dụng khoa học kỹ thuật như cắt tỉa cành, tạo tán, sử dụng phân bón có nguồn gốc sinh học nên năng suất tăng, trái vừa đẹp vừa thơm ngon, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ông Phước bộc bạch: “Ngoài bán na cho thương lái trên địa bàn huyện, gia đình tôi còn tự tay đóng thùng gửi xuống các chợ đầu mối ở TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), tỉnh Quảng Ngãi và TP. Đà Nẵng; hái đến đâu tiêu thụ hết đến đó”.

Thấy cây na dễ trồng, dễ bán, cho hiệu quả kinh tế cao, ông Lê Văn Tiến (cùng thôn) cũng đã phá bỏ các loại cây trồng kém hiệu quả để nhân rộng diện tích trồng na. Đến nay, gia đình ông có 2,5 ha na dai. Ông Tiến cho hay: Do đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu nên na trồng trên núi Đá Lửa có quả to, mỗi quả nặng bình quân 500-700 gram, có trái nặng tới 1,2 kg. Đặc biệt, quả có vị ngọt thanh, cơm dai, chất lượng ngon hơn các vùng khác nên được nhiều khách hàng và thương lái ở các địa phương khác tìm lên tận vườn thu mua.

Ông Đỗ Quang Hiệp-cán bộ nông nghiệp xã Cư An-cho biết: Năm 2017, huyện đã hỗ trợ 10 hộ triển khai mô hình trồng cây na dai trên vùng núi Đá Lửa, đến nay đã có 21 hộ tham gia với trên 28,8 ha trồng cây na dai.

Đa dạng hóa cây trồng

Ngoài trồng cây na dai, nhiều hộ dân bắt đầu đa dạng hóa các loại cây ăn quả, đáp ứng nhu cầu thị trường. Có gần 7 ha đất trên vùng núi Đá Lửa, ông Lê Việt Hùng (thôn An Định) đã trồng đủ loại cây xoài, bơ, lúa, mía… Năm 2015, ông chuyển đổi 1 ha mía sang trồng quýt đường. “Được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ kỹ thuật, tôi mạnh dạn mua 700 gốc quýt đường về trồng. Sau 3 năm chăm sóc cây bắt đầu cho thu hoạch, ước sản lượng khoảng 5 tấn quả/ha, nếu bán giá trung bình 19.000 đồng/kg, thì tôi có lãi trên 100 triệu đồng. Thời gian tới, tôi sẽ chuyển thêm 5 ha mía sang trồng cây ăn quả”-ông Hùng phấn khởi nói.

Cách vườn cây của gia đình ông Hùng không xa là hơn 2 ha rẫy xanh mướt với đủ loại cây trái của gia đình chị Trần Thị Tuyết. Chị Tuyết kể: “Trong vườn nhà tôi hiện trồng 100 gốc bưởi da xanh, 100 cây bơ sáp, 5 sào quýt đường, 50 gốc mãng cầu xiêm và mới trồng thêm 1.000 cây na dai. Ngoài diện tích na mới trồng, các cây khác đã cho thu hoạch, mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng”. Theo chị Tuyết, các loại cây ăn quả mỗi năm chỉ có 1 vụ, vì thế việc trồng nhiều loại cây sẽ đảm bảo mùa nào thức ấy, có thu nhập quanh năm. “Quan trọng hơn là các loại cây trồng bổ trợ cho nhau, cây được mùa bù cho cây mất mùa. Có vậy mới đảm bảo nguồn thu nhập, có tiền tái đầu tư”-chị Tuyết bày tỏ.

Đánh giá về việc người dân chuyển đổi và đa dạng hóa cây trồng, ông Nguyễn Văn Huỳnh-Phó Chủ tịch UBND xã Cư An-cho biết: “Nhờ đa dạng hóa các loại cây ăn quả có giá trị mà thu nhập của người dân dần tăng lên, ổn định kinh tế, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tại vùng núi Đá Lửa người dân đã chuyển trên 6 ha cây trồng các loại sang trồng cây ăn quả. Thời gian tới, xã sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục chuyển đổi cây trồng, đồng thời định hướng xây dựng thương hiệu na Đá Lửa”.

Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm