Kinh tế

Nông nghiệp

Cây cà phê trên vùng đất khó Ia Kreng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- 10 năm trước, những cây cà phê đầu tiên đã được đưa về trồng trên vùng đất khó Ia Kreng (huyện Chư Pah, Gia Lai). Đến nay, loại cây trồng này đã không ngừng được mở rộng diện tích và đang mở ra hướng làm giàu mới cho người dân trên địa bàn.
Bí thư Đảng ủy xã tiên phong trồng cà phê
Ông Rơ Châm Ker-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ia Kreng-chính là người đưa cây cà phê về trồng tại xã này. Ông kể: Năm 2009, ông được điều động về giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Ia Kreng. Ngày đó, Ia Kreng còn rất hoang sơ, cả xã có 3 làng với khoảng 200 hộ dân sống rải rác trên các sườn đồi. Do địa hình đồi núi, đất đai nhiều vùng bạc màu và lởm chởm đá, cả xã lại không có công trình thủy lợi nào nên người dân chỉ trồng được cây mì, bắp, lúa rẫy… Do vậy, người dân thường xuyên phải đối mặt với cái đói khi vào mùa giáp hạt. Chứng kiến sự nghèo khó của người dân nơi đây, nhiều đêm ông Ker trằn trọc suy tính tìm hướng đi để giúp bà con thoát nghèo. Rồi ông nhận ra rằng, chỉ cách xã Ia Kreng hơn 10 km nhưng hàng chục năm qua, người dân xã Ia Mơ Nông và xã Ia Ly (nay là thị trấn Ia Ly) đã ổn định kinh tế, vươn lên làm giàu nhờ cây cà phê thì cớ sao nơi đây lại không thể trồng được. “Nghĩ thì vậy, nhưng bao đời nay, người dân ở đây chưa bao giờ trồng cây cà phê nên để bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm thì chỉ còn cách mình đi tiên phong”-ông Ker tâm sự.
 Ông Rơ Châm Ker chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: H.V
Ông Rơ Châm Ker chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: H.V
Nghĩ là làm, ngay trong năm 2009, ông Ker đã gom hết vốn liếng của gia đình dành dụm được để đầu tư trồng 1.700 cây cà phê tại làng Doch 1. Để có nguồn nước tưới cho cà phê, ông phải mất gần 10 ngày khảo sát rồi mua 500 m ống nhựa dẫn nước từ chân núi về rẫy của mình. “Khi tôi đưa cây cà phê về trồng, bà con làng Doch 1 ra đứng nhìn, vừa cười vừa xì xầm bàn tán. Họ không tin cây cà phê sẽ sống được trên vùng đất này bởi trước đó cũng đã có vài người Kinh vào sinh sống ở đây trồng thử loại cây này xung quanh vườn nhà nhưng đều thất bại”-ông Ker nhớ lại. Biết bà con chưa tin vào khả năng tồn tại và phát triển của cây cà phê trên vùng đất khó này nên hàng ngày, sau khi hết giờ làm việc, ông Ker lại xuống rẫy chăm chút cho từng gốc cây như những “đứa con” của mình. Đất không phụ lòng người, cả 1.700 cây cà phê ông trồng đều sinh trưởng và phát triển tốt.
Bước đầu thuận lợi, ông cùng chính quyền xã đi khảo sát các vùng đất có thể trồng cà phê để vận động bà con chuyển đổi sang loại cây trồng này. Thế nhưng, hầu hết bà con đều lắc đầu vì từ xưa đến nay họ chưa trồng cây cà phê bao giờ và cho rằng cây có thể sống nhưng chưa chắc đã có năng suất. Vì vậy, không mấy ai mặn mà nghe lời vận động của ông. Để thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của bà con, một mặt ông Ker tích cực vận động, mặt khác ông chăm chút cho vườn cây để đảm bảo sinh trưởng tốt và cho năng suất cao. Đến năm 2012, khi ông thôi giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Ia Kreng cũng là lúc rẫy cà phê cho thu bói. Thế nhưng, cũng phải đến năm 2015, khi rẫy cà phê của ông cho năng suất ổn định với hơn 20 tấn tươi/ha thì người dân ở đây mới tin vào sự phát triển của loại cây này.
Hướng làm giàu cho người dân vùng khó   
Tròn 10 năm kể từ khi ông Rơ Châm Ker đưa những cây cà phê đầu tiên về trồng ở Ia Kreng, trên địa bàn xã hiện đã có gần 100 hộ dân trồng loại cây này với diện tích hơn 120 ha. Đến thăm rẫy của gia đình anh Siu Sĩ (làng Doch 2), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi trên vùng đồi dốc nhưng 5 sào cà phê trồng cách đây 1 năm đã lên xanh tốt và gần như không có cây nào chết. Anh Sĩ cho biết: “Trước kia, gia đình mình cũng được vận động trồng cà phê nhưng chưa tin lắm vì chưa trồng loại cây này bao giờ. Năm 2018, được sự hướng dẫn về kỹ thuật của xã, gia đình mình chuyển 5 sào đất trồng bời lời sang trồng cà phê. Do thực hiện đúng kỹ thuật nên cà phê phát triển tốt. Mình hy vọng khi cà phê cho thu hoạch, đời sống gia đình sẽ bớt khó khăn”.
Ở làng Doch 1 và Doch 2, nhiều gia đình giờ đã có 5-7 sào cà phê, thậm chí nhiều gia đình có tới vài héc ta. Tuy nhiên, do cây cà phê còn mới lạ với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây nên xã Ia Kreng đã nỗ lực hướng dẫn, giúp đỡ bà con phát triển sản xuất. Ông Rơ Châm Tâm-Chủ tịch UBND xã Ia Kreng-cho biết: Từ năm 2017, UBND xã đã thành lập Tổ hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp do Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng để phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện khảo sát các vùng đất phù hợp nhằm vận động người dân chuyển sang trồng cây cà phê. Cùng với đó, cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi hướng dẫn các hộ dân cách đào hố, trồng, làm cỏ, bón phân, làm rào bảo vệ và thường xuyên thăm vườn để phát hiện, xử lý kịp thời sâu bệnh gây hại trên cây cà phê. Từ đó, người dân ngày càng hiểu và tích cực tham gia trồng cà phê. Diện tích cà phê của xã theo đó đã tăng lên nhanh chóng. Hiện trong hơn 120 ha cà phê trên địa bàn xã đã có khoảng 40 ha bước vào thời kỳ kinh doanh với năng suất đạt từ 15 tấn đến 20 tấn tươi/ha. Hiện xã đang tiếp tục khảo sát chất đất ở làng Dip để vận động người dân trồng cà phê trên những diện tích phù hợp. Tuy nhiên, địa hình của xã chủ yếu là đồi núi, khó xây dựng công trình thủy lợi nên để có nguồn nước tưới cho cà phê, UBND xã đang khảo sát các phương án trước khi trình lên UBND huyện đề nghị hỗ trợ nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho diện tích cây trồng này.
 HẠ VY 

Có thể bạn quan tâm