Kinh tế

Nông nghiệp

Cây dừa “bén đất” Kbang

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Để phát triển kinh tế, một số người dân ở huyện Kbang, tỉnh Gia Lai xuống Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) mua dừa giống về trồng. Trên vùng đất cao nguyên nắng gió, cây dừa sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại thu nhập cao cho người trồng.

Năm 2016, ông Lê Huy Sửu (thôn 2, xã Đak Hlơ) phá bỏ hơn 1 sào mía để trồng 30 cây dừa xiêm xanh, xiêm đỏ mua giống ở Tam Quan và 10 cây dừa mua giống ở Bến Tre. Chỉ sau 3 năm, dừa đã ra quả. Ông Sửu cho biết: Dừa dễ trồng, ít tốn công chăm sóc lại cho quả quanh năm, thời gian thu hoạch kéo dài 30-50 năm.

“Trước đây, trong thôn có một số hộ mua giống dừa ở các tỉnh miền Tây về trồng nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Để thực chứng, tôi mua ít cây dừa ở Bến Tre về trồng. Giống dừa này sai quả nhưng quả nhỏ, ít nước. Còn giống dừa ở Tam Quan quả to, nước nhiều, vị ngọt đậm đà, được thị trường ưa chuộng. Thương lái ở thị xã An Khê, tỉnh Bình Định, Phú Yên thích mua loại dừa này, giá bán tại vườn 8.000 đồng/quả, cao gấp đôi, gấp 3 so với những giống dừa khác”-ông Sửu chia sẻ.

Cũng nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây dừa xiêm xanh giống ở Tam Quan, từ năm 2017 đến 2020, ông Trần Văn Mạnh (thôn 1, xã Kông Pla) trồng xen 500 cây dừa trong vườn gấc rộng 1,5 ha. Ông Mạnh cho hay, dừa trồng 3 năm mới ra quả, trong khi đó, cây gấc trồng 9 tháng đã cho thu hoạch và kéo dài khoảng 10 năm. Vì thế, để lấy ngắn nuôi dài, tăng giá trị trên diện tích đất, ông trồng gấc trước rồi trồng xen cây dừa.

Trồng dừa xiêm xanh Tam Quan đã mang lại thu nhập gần 400 triệu đồng/năm cho gia đình ông Trần Văn Mạnh (thôn 1, xã Kông Pla, huyện Kbang). Ảnh: Ngọc Minh

Trồng dừa xiêm xanh Tam Quan đã mang lại thu nhập gần 400 triệu đồng/năm cho gia đình ông Trần Văn Mạnh (thôn 1, xã Kông Pla, huyện Kbang). Ảnh: Ngọc Minh

Để cây dừa sinh trưởng, phát triển tốt, hàng năm, ông Mạnh bón 20 kg phân chuồng hoai mục/cây; định kỳ 4 tháng phun thuốc phòng trừ sâu đuông, bọ cánh cứng; thường xuyên cắt tỉa cành già, bóc bẹ khô nhằm hạn chế sâu bệnh gây hại.

“Dừa vốn được trồng nhiều ở ven biển, ngấm vào mình vị mặn nên cho nước ngọt đậm đà. Khi mang dừa về trồng trên đất Kbang, tôi phải bổ sung một lượng muối khoáng cho cây và tưới nước đầy đủ. Nhờ đó, cây dừa cho quả to, nước ngọt đậm, chẳng thua kém dừa trồng tại Tam Quan”-ông Mạnh nói.

Hiện tại, 500 cây dừa của gia đình ông Mạnh đang trong thời kỳ thu hoạch. Bình quân mỗi cây cho 100 quả/năm, mang lại cho gia đình nguồn thu nhập gần 400 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ngoài ra, ông Mạnh còn thu thêm hơn 100 triệu đồng từ bán quả gấc, gà, vịt thả vườn.

Giống dừa xiêm xanh được người dân Kbang trồng mang lại thu nhập cao hơn so với giống dừa khác trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Minh

Giống dừa xiêm xanh được người dân Kbang trồng mang lại thu nhập cao hơn so với giống dừa khác trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Minh

Cũng đang trồng gần 2 ha dừa, anh Trần Văn Tiếng (thôn 1, xã Kông Pla) kể: “Trước đây, ba tôi về quê ở thị xã Hoài Nhơn mua 10 cây dừa về trồng xung quanh nhà để tạo bóng mát. Không ngờ, cây dừa thích nghi với môi trường nên phát triển xanh tốt, cho quả quanh năm. Thấy trồng dừa đem lại hiệu quả kinh tế, từ năm 2016 đến 2019, tôi đã cải tạo diện tích canh tác không hiệu quả để chuyển sang trồng 700 cây dừa xiêm xanh mua giống ở Tam Quan”.

Tương tự, cuối năm 2021, chị Hứa Thị Hoàn (làng Hbang, xã Kông Lơng Khơng) đã chuyển hơn 1 sào đất lúa gần suối thường xuyên bị ngập úng sang trồng dừa xiêm xanh. “Để tránh rủi ro, tôi về tận xứ dừa Tam Quan mua 100 cây giống ở cơ sở uy tín mang về trồng. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đến nay, cây dừa phát triển xanh tốt. Cuối năm nay, tôi sẽ mua thêm 100 cây trồng xen vào vườn chanh và xung quanh bờ ao”-chị Hoàn cho biết.

Huyện Kbang hiện có 54 ha dừa trồng tập trung tại các xã: Nghĩa An, Kông Lơng Khơng, Tơ Tung, Đak Hlơ, Kông Pla và thị trấn Kbang. Trong đó, hơn 60% là các giống dừa mua ở Tam Quan. Trao đổi với P.V, ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-khẳng định: Mô hình trồng dừa xiêm xanh, xiêm đỏ của một số hộ dân bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là cơ sở để người dân tại các địa phương có điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng như Đak Hlơ, Kông Pla, Nghĩa An và Kông Lơng Khơng nhân rộng mô hình này.

“Các hộ trồng dừa nên liên kết với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Người dân cũng nên trồng dừa tập trung thành vùng để thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, phòng trừ sâu bệnh; đồng thời, tạo ra những vườn dừa rộng lớn, đáp ứng sản lượng cho thương lái thu mua, gắn với phát triển du lịch sinh thái trong tương lai”-ông Tình định hướng.

Có thể bạn quan tâm