Kinh tế

Nông nghiệp

Cây dược liệu khó tìm đầu ra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian gần đây, diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh không ngừng được mở rộng, tạo ra hướng phát triển kinh tế mới. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến doanh nghiệp và người trồng dược liệu lao đao khi thị trường tiêu thụ bị hạn chế.

Toàn tỉnh hiện có gần 1.000 ha dược liệu tập trung tại huyện: Kbang, Đak Đoa, Chư Sê, Chư Prông, Mang Yang, Chư Pưh, Chư Păh. Trong đó, diện tích dược liệu của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trồng hơn 180 ha, của hộ gia đình liên kết với các đơn vị trồng hơn 800 ha gồm các loại cây như: đinh lăng, hà thủ ô đỏ, đương quy, cát cánh, cà gai leo, đẳng sâm, sa nhân tím, sâm đá, sâm cau, mật nhân, thảo quyết minh, nhàu... Những năm gần đây, một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh và liên kết phát triển vùng nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (GAP), tạo ra nhiều sản phẩm được thị trường ưa chuộng.

Nông dân xã Sơ Pai (huyện Kbang) thu hoạch diện tích sâm đương quy liên kết với Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai. Ảnh Lê Anh
Nông dân xã Sơ Pai (huyện Kbang) thu hoạch diện tích sâm đương quy liên kết với Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai. Ảnh: Lê Anh

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nên nhà máy sản xuất, chế biến dược liệu phải tạm ngưng hoạt động khiến đầu ra của nguyên liệu gần như bị “đóng băng”. Chính vì vậy, nhiều đơn vị, cá nhân đầu tư trồng dược liệu đến thời điểm thu hoạch nhưng không thể tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông Phạm Văn Hậu-Giám đốc HTX nông nghiệp và dược liệu Quang Vinh (huyện Kbang) cho biết: “Hợp tác xã trồng 18 ha đương quy, đẳng sâm, sâm bố chính, đan sâm. Dù đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một nhà máy trên địa bàn tỉnh nhưng họ ngừng thu mua. Trong khi đó, máy móc, thiết bị lò sấy, kho chứa của HTX còn hạn chế nên hàng chục tấn dược liệu đến thời điểm thu hoạch buộc phải để lại vườn dẫn đến hao hụt gần 2/3 sản lượng”.

Hiện các tỉnh phía Nam và phía Bắc đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ khiến thị trường dược liệu gần như bị “đóng băng”. Nhiều doanh nghiệp, HTX và người trồng không bán được sản phẩm. Ông Lê Văn Bộ-Giám đốc HTX nông nghiệp Tú An 1 (thị xã An Khê) cho hay: “Cây dược liệu chủ lực của HTX là cà gai leo với diện tích 3 ha. Các sản phẩm của đơn vị ngoài tiêu thụ trong tỉnh, phần lớn cung cấp cho nhà máy các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, gần 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sản phẩm của HTX chỉ tiêu thụ được 30% so với trước đây. Hiện trong kho còn tồn hơn 3 tấn sản phẩm khô, điều này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của xã viên”.   

Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai là một trong những đơn vị liên kết trồng và chế biến các loại dược liệu lớn nhất tỉnh với gần 200 hộ dân của 12/17 huyện, thị xã để trồng 60 ha. Hiện nhà máy chế biến của Công ty cũng đã sản xuất các loại sản phẩm như: cao mật nhân, cao đương quy, cao đinh lăng, cao đẳng sâm, cao cà gai leo, cao mướp đắng rừng… Sản phẩm của Công ty được bày bán trong các siêu thị và 5.000 quầy thuốc tại 60 tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ sản phẩm của đơn vị gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Khánh-Giám đốc Công ty-chia sẻ: “Nhà máy hiện có thể sản xuất tối đa gần 50 tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, do ách tắc về giao thông khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng-chống dịch nên thị trường chủ lực của Công ty như: TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây Nam Bộ, TP. Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tiêu thụ chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Theo đó, doanh thu của đơn vị bị sụt giảm”.

Người dân xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) đang chăm sóc cây cà gai leo. Ảnh Ngọc Thu
Người dân xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) chăm sóc cây cà gai leo. Ảnh: Ngọc Thu

Cũng theo ông Khánh, với phương châm “lấy chữ tín làm đầu” trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty vẫn thu mua các sản phẩm dược liệu thô của bà con nông dân có liên kết với đơn vị để đưa về kho bảo quản. Trong tình hình dịch bệnh còn kéo dài, Công ty mong muốn chính quyền địa phương, các ngân hàng có chính sách hỗ trợ, giảm lãi suất cho vay, giảm các loại thuế để kịp thời chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục ổn định sản xuất và duy trì mối liên kết lâu dài với nông dân, đẩy mạnh sự phát triển bền vững đối với cây dược liệu.
 

 LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm