(GLO)- Tuy chưa có con số thống kê chính xác song ước tính hiện nay, diện tích cây bời lời đỏ của tỉnh ta không dưới 3.000 ha. Phần lớn bời lời được trồng xen trên đất vườn, đất rẫy bởi đây là loại cây dễ trồng, thân mọc thẳng, không chiếm nhiều đất. Hiện nay, bời lời vẫn là loại cây trồng chủ lực ở các địa phương phía Tây của tỉnh trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và tiến lên làm giàu bền vững.
Ảnh nguồn internet |
Trước đây, gia đình tôi từng ươm giống bời lời, bắt đầu từ năm 1992. Năm đó, chúng tôi gieo ươm trên 5 vạn cây giống. Khoảng tháng 8, tháng 9 là bắt đầu chuẩn bị làm đất, ủ hạt. Thường thì cây bời lời đạt chiều cao khoảng 25 cm và có đủ 6 cặp lá là có thể xuất vườn đem đi trồng. Thế nhưng năm ấy, tuy cây chỉ mới 3-4 cặp lá mà các chủ dự án từ Kon Tum đã xuống, từ An Khê, Mang Yang lên mang theo cả bao tải tiền mặt để mua cây giống. Thế mới biết, bời lời bấy giờ hút hàng như thế nào! Và kể từ năm đó, trong các chương trình, dự án phủ xanh đất trống đồi núi trọc triển khai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, chẳng hạn như Chương trình 135, bời lời vẫn luôn là cây ưu tiên hàng đầu.
Cách đây mấy năm, trong chuyến công tác về huyện Đak Đoa, tôi gặp lại một người quen-anh Trương Phước Anh (hiện là Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT). Gần 30 năm trước, anh là Trưởng phòng Nông-Lâm nghiệp huyện Mang Yang. Khi nghe tôi hỏi thăm về tình hình sản xuất của địa phương, anh bảo tôi cứ đến xã Lơ Pang (huyện Mang Yang) thì sẽ biết. Rồi anh lấy xe máy chở tôi đi. Là một trong 5 xã đặc biệt khó khăn phía Đông sông Ayun, bấy giờ, Lơ Pang như là một điển hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện. Vừa đi anh vừa kể cho tôi nghe chuyện ngành nông nghiệp đưa cây bời lời từ rừng xuống trồng trên vùng đất rẫy bạc màu và nhanh chóng trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Bahnar nơi đây. Đó là cả một quá trình vận động mà nói theo kiểu của nhiều cán bộ phong trào là “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”. Vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, thấy được hiệu quả kinh tế rõ rệt của cây bời lời, người Lơ Pang cũng như người dân các xã phía Đông sông Ayun đã “bời lời hóa” không chỉ trên vườn nhà mà còn trồng trên đất rẫy thành mô hình vườn rừng.
Qua hơn 2 thập niên, hiện nay, bời lời đã có mặt trên một vùng đất rộng lớn của huyện Đak Đoa và Mang Yang. Nhiều huyện khác trong tỉnh như Ia Grai, Chư Pah, Chư Prông, Đak Pơ… đi đâu cũng thấy bời lời. Đặc biệt, huyện Chư Pah có tổng diện tích bời lời lên đến trên 1.400 ha.
Trồng bời lời không tốn nhiều công sức, mức đầu tư cũng thấp. Cây lại có thể sinh trưởng, phát triển trên nhiều vùng đất, từ vườn nhà cho đến rẫy và có thể trồng xen canh khi chưa khép tán và sau khi thu hoạch chờ cây tái sinh. Không còn là cây giảm nghèo, với chu kỳ khai thác trên dưới 5 năm, mỗi héc-ta bời lời cho thu nhập đến trên 130 triệu đồng và có thể khai thác thêm 2-3 lần nữa. Điều đặc biệt là cây bời lời cho thu hoạch toàn bộ sản phẩm, từ lá, cành, thân, vỏ cho đến gỗ để làm nguyên liệu trong công nghiệp như: bột nhang, vỏ bút chì, keo, phụ gia sơn xây dựng, giàn giáo…
Nếu TP. Pleiku đi lên với sản xuất công nghiệp và dịch vụ thì ở các địa phương khác trong tỉnh như Đak Đoa, Chư Pah, Ia Grai… cây bời lời đã và đang mang lại đời sống ấm no cho nhiều hộ dân. Và nếu diện tích trồng bời lời phát triển ổn định, thiết nghĩ, nên có thêm một vài nhà máy chế biến vỏ, lá bời lời trên địa bàn để càng tăng thêm giá trị của loại cây bản địa này.
Thanh Phong