Thời sự - Bình luận

Chăm lo cho người ở lại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngày 31-7, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về phòng chống dịch Covid-19 gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành vận động, kêu gọi, kiểm soát người dân ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... không được rời địa bàn. Cung cấp ngay lương thực, thực phẩm cho tất cả người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ.

Trong bối cảnh này, cùng ngày, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận một tình cảnh rất tội nghiệp: Vợ chồng anh công nhân Xồng Bá Xô đi xe máy chở theo con nhỏ vừa sinh được 9 ngày tuổi từ Bình Dương về Nghệ An. Qua hơn 1.000 km, anh chị đuối sức khi đến được Đà Nẵng. Rất may có một số người tốt bụng đã thuê xe cho gia đình anh vượt qua quãng đường còn lại về quê.

Đây cũng là tình cảnh của hàng vạn người khác từ các tỉnh công nghiệp phía Nam đang rong ruổi trên đường mà đích đến là quê hương. Trong thời gian đầu, một số địa phương đã ngăn cản dòng người qua địa phận tỉnh nhà nhưng điều này chỉ làm tình hình thêm phức tạp và cũng không thể cản nổi dòng người đang cấp bách. Phải hiểu rằng họ là những người tha hương mưu sinh nhưng chính họ cũng đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của các địa phương trọng điểm phía Nam. Họ là một phần của sự phồn hoa này nên khi khó khăn cần phải có phương án giải quyết ổn thỏa.

Trong thời điểm này, nhiều tỉnh cũng đã quá tải các khu cách ly sau khi đón nhận rất nhiều người về từ TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương... Sức ép về dịch bệnh, tổ chức chăm sóc y tế, cung ứng thực phẩm ngày càng nặng nề. Vấn đề cung ứng thực phẩm cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội ngày càng trở nên căng thẳng, trong khi các vùng sản xuất vẫn đang có đầy đủ nông sản, gia súc, gia cầm chờ giết mổ nhưng thiếu người thu mua, vận chuyển.

Ngay trong ngày 31-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức "Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm chăn nuôi và thủy sản trong điều kiện dịch Covid-19". Những vướng mắc của công tác này đã được chỉ rõ là lưu thông khó khăn, phát sinh nhiều chi phí, đẩy giá bán lên cao.

Những ngày tới khi triệt để áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại hàng loạt các tỉnh, thành thì chắc chắn áp lực về cung ứng thực phẩm càng lớn. Với mấy chục triệu dân ở các tỉnh phía Nam và miền Trung, bài toán cung ứng thực phẩm đã rất nan giải và trước tiên phải mở được nút thắt về vận chuyển.

Người dân từ các tỉnh, thành khác đang mưu sinh ở khu vực trọng điểm phía Nam hiện đang rất khó khăn. Nếu không trở về quê thì chính quyền địa phương phải đối diện với một công việc khổng lồ là tổ chức nơi ăn ở, cung ứng thực phẩm tại chỗ, chuẩn bị cơ sở y tế cấp thiết... trong khi việc ứng phó với Covid-19 đã vắt kiệt sức lực, nhân lực của nhiều địa phương.

TP HCM cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời người lao động mất việc, giảm thu nhập. Hàng loạt chương trình thực phẩm, hàng hóa thiết yếu đã được đưa đến tận tay người dân... Nhưng trong dài hạn và theo tình hình dịch bệnh đang căng thẳng, cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn.

Phải tổ chức cho người dân ở lại an toàn và chu đáo. Khi cuộc sống trở lại bình thường, sản xuất khôi phục thì họ tiếp tục đóng góp một phần sức lực cho mảnh đất này.

Theo HIẾU NGHI (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm