Thời sự - Bình luận

Chăm lo chu đáo, tận tình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi và vài bạn bè có chung tay hỗ trợ một số nhóm thiện nguyện thường phát quà cho người cơ nhỡ ven đường.

Thỉnh thoảng nghe tin nhóm này nhóm kia tạm dừng, rồi hoạt động trở lại. Tôi hỏi lý do, trưởng nhóm Th. bảo: "Hai tháng nay, tụi em lần lượt "dương" gần hết. Nhưng các bạn không bỏ cuộc. Một số bạn sau 2 tuần cách ly tại nhà, xét nghiệm 3 lần âm tính xong, đã quay lại làm tiếp".

Tôi chỉ thêm mấy chỗ người già neo đơn, cơ nhỡ thường vạ vật, nhờ các bạn đến cho quà. Th. nói: "Mong các cụ có chốn nương náu ổn định, chứ đó cũng là nguồn lây, lo lắm! Tụi em tặng suốt cả tuần, khi quay lại vẫn thấy các cụ ngồi vỉa hè, vệ cầu…".

 

Các nhóm thiện nguyện tặng quà cho người dân nghèo, người vô gia cư ở TP HCM - Ảnh: Lê Phong
Các nhóm thiện nguyện tặng quà cho người dân nghèo, người vô gia cư ở TP HCM - Ảnh: Lê Phong


Ngẫm thấy đúng, các cụ biết đi đâu bây giờ? Không chỉ tội nghiệp các cụ mà tội cho cả các nhóm từ thiện vì luôn đối diện nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19. Biết vậy nhưng người yếu thế bị đại dịch đánh dạt ra đường ngày càng nhiều, đâu thể làm ngơ, từ thiện mà! Nhìn rộng ra, đây là một thách thức về chính sách quản lý chứ không hề là chuyện nhỏ.

Đến hôm qua (23-8), thì đã có giải pháp. Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận 4 (TP HCM), sau khi nghe Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an - cho biết qua kiểm tra công tác phòng chống dịch đã ghi nhận còn người lang thang cơ nhỡ trên đường, thì Thượng tướng Võ Minh Lương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - đề nghị tập trung toàn bộ đối tượng trên về các doanh trại quận/ huyện đội; tại đây sẽ xét nghiệm để phân loại đưa vào các khu cách ly, nếu dương tính…

Kết luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong chiều 23-8, toàn bộ 312 phường, xã trên địa bàn thành phố bằng mọi giá phải tập trung hết nhóm người lang thang cơ nhỡ còn trên đường.

Đây là chỉ đạo xác đáng vào lúc này, bởi không chỉ ngăn chặn nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng mà còn giúp người lang thang tiếp cận điều kiện sống tốt hơn. Khi được tập trung vào các doanh trại hoặc các trung tâm bảo trợ xã hội, họ sẽ được đài thọ bữa ăn mỗi ngày, được khám sàng lọc - xét nghiệm Covid-19 và điều trị (nếu dương tính) công bằng như mọi công dân khác.

Cũng qua đó cho thấy chính sách chăm lo từ các chương trình an sinh của quốc gia và của TP HCM đến với mọi đối tượng, không để sót ai. Nếu ngày nào còn thấy nhiều người lang thang đầu đường cuối hẻm kiếm miếng ăn giữa đại dịch, thì chưa thể khẳng định "không ai bị bỏ lại phía sau" được!

Từ đây mới thấy trách nhiệm và hành động từ cơ sở rất quan trọng, không riêng đối với tình trạng người cơ nhỡ, mà còn quyết định không nhỏ đến những đại sự - như cuộc chiến chống lại Covid-19 hiện nay.

Theo An Quý (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm