Thời sự - Bình luận

Chăm sóc thiếu nhi là trách nhiệm toàn xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Giữa thời điểm dịch bệnh hoành hành, chúng ta cần có cách làm sáng tạo hơn để vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng vừa giúp các em tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa giáo dục và phát triển nhân cách. 

Các em thiếu nhi vui chơi tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Các em thiếu nhi vui chơi tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc


Mới vừa chớm hạ thì tình hình dịch Covid-19 ở nhiều địa phương trên cả nước diễn biến phức tạp nên các đơn vị trường học phải gấp rút hoàn thành kế hoạch giảng dạy trước thời hạn, các em học sinh được nghỉ hè sớm nhằm phòng-chống dịch lây lan trong cộng đồng. Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6) cũng diễn ra giữa mùa dịch khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các hoạt động trong Tháng Hành động vì trẻ em sẽ được tổ chức một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo an toàn, hiệu quả nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho thiếu niên, nhi đồng.

Những năm qua, Gia Lai tổ chức nhiều hoạt ý nghĩa nhân Tháng Hành động vì trẻ em, nhất là trong dịp hè. Các tổ chức xã hội cùng với Đoàn Thanh niên địa phương đã có nhiều chương trình sinh hoạt dành cho đối tượng thiếu nhi nhằm thu hút các em vào các hoạt động vui chơi lành mạnh, thiết thực. Nội dung chương trình sinh hoạt ngày càng được đổi mới, bớt đi tính hình thức mà chú trọng vào các hoạt động rèn luyện kỹ năng cho thiếu nhi phù hợp với yêu cầu giáo dục trong học đường.

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên Ngày Quốc tế Thiếu nhi và Tháng Hành động vì trẻ em năm nay sẽ chỉ diễn ra dưới các hình thức không tập trung đông người và thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Các hoạt động ngoài trời như: dã ngoại, cắm trại, vui chơi văn nghệ… đều không thể tổ chức theo kế hoạch đã định. Nhiều em thiếu nhi sẽ không có điều kiện cùng gia đình hay các tổ chức đoàn thể đi tham quan, du lịch, dự trại hè, những hoạt động thể thao tập trung. Vì vậy, chúng ta cần có sự quan tâm đặc biệt và thiết thực với trẻ em bằng các chính sách và nhiều hình thức, nội dung phù hợp với tâm sinh lý trẻ, hướng các em vào những hoạt động đơn lẻ nhưng có sự kết nối, sẻ chia tập thể qua các phương tiện kỹ thuật số.

Trong điều kiện hiện tại, để đảm bảo cho thiếu nhi được bảo vệ và chăm sóc chu đáo, ngoài việc các địa phương, cơ sở có các chính sách chăm lo về vật chất, tinh thần cho các cháu nhân Tháng Hành động vì trẻ em, nhất là các em có hoàn cảnh đặc biệt, các cơ quan, đoàn thể xã hội cần có chương trình hành động với tinh thần “dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em” nhằm đảm bảo để con cháu chúng ta có cuộc sống an toàn, hạnh phúc.

Giữa thời điểm dịch bệnh hoành hành, chúng ta cần có cách làm sáng tạo hơn để vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng vừa giúp các em tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa giáo dục và phát triển nhân cách. Hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở nên có chương trình cung ứng sách truyện, sách tham khảo đến từng nhà cho các em; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức các cuộc thi đọc sách, tìm hiểu khoa học, lịch sử hay sáng tác thơ văn… cho đối tượng thiếu nhi (không tập trung); phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức ôn tập, dạy ngoại khóa bằng hình thức trực tuyến. Chính quyền địa phương theo dõi, khuyến khích, khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân, các tổ chức xã hội đã có thành tích trong việc chăm sóc, giúp đỡ thiếu niên, nhi đồng trong dịp này.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, dành tình thương yêu, chăm lo cho thế hệ măng non tương lai của đất nước: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Ngày nay, chúng ta có điều kiện hơn để chăm sóc, giáo dục thế hệ thiếu niên, nhi đồng phát triển một cách toàn diện cả thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức. Bởi vì, trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai!

 

BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm