Giáo dục

Tin tức

Chấm thi tốt nghiệp THPT 2021: Nhiều "hàng rào kỹ thuật" ngăn chặn gian lận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngay sau khi kết thúc đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, các địa phương đã bắt tay vào thực hiện khâu vô cùng quan trọng là chấm thi. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia đã có những lưu ý đặc biệt để việc chấm thi đảm bảo an toàn, khách quan, đúng quy chế.

Chấm kiểm tra 5% số lượng bài thi môn Ngữ văn

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, công tác chấm thi được thực hiện theo quy chế gồm: Chấm bài thi tự luận và chấm thi trắc nghiệm.

Phần chấm thi tự luận sẽ thực hiện theo nguyên tắc: Một bài thi phải được 2 giám khảo ở 2 tổ khác nhau chấm độc lập, nhằm bảo đảm tính minh bạch, khách quan. Việc chấm thi sẽ thực hiện theo quy trình hai vòng độc lập.

Cụ thể, bài thi phải được giám khảo 1 chấm trước, sau đó trả về cho tổ thư ký để tổ này chuyển tiếp bài thi đó cho giám khảo 2.

Giám khảo 2 chấm xong sẽ lại trả lại bài về tổ thư ký. Có đủ điểm của 2 giám khảo, một bộ phận sẽ thực hiện việc thống nhất điểm.

Trường hợp điểm được chấm bởi 2 giám khảo có độ chênh lớn mà 2 giám khảo không thống nhất được, phải có thống nhất của người thứ 3.

Cũng theo quy chế, mỗi hội đồng thi phải chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận. Khi chấm kiểm tra, nếu thấy có sự chênh lệch phải điều chỉnh; nếu phát hiện chấm sai sẽ kịp thời uốn nắn.

Cán bộ chấm kiểm tra có thể kiến nghị, đề xuất với Trưởng ban chấm tự luận áp dụng các biện pháp phù hợp giúp cho việc chấm thi được công bằng, khách quan, nghiêm túc.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng đưa ra quy chế bắt buộc phải chấm chung trong toàn Ban chấm thi tự luận (ít nhất 10 bài) để thống nhất nhận thức, biểu điểm và nhận định tình hình.

Theo quy định, hội đồng có dưới 30.000 thí sinh phải chấm chung. Trong điều kiện dịch COVID-19 sẽ có một số nơi gặp khó khăn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết các tổ chấm thi có thể họp trực tuyến. Qua đó, vừa thực hiện giãn cách, vừa có thể thực hiện việc chấm chung; từ đó thống nhất nhận thức, rồi triển khai thực hiện.


 

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra tại Điểm thi trường THPT Tiên Lữ (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên). Ảnh: MOET
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra tại Điểm thi trường THPT Tiên Lữ (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên). Ảnh: MOET


“Với quy định như vậy, nếu giám khảo làm việc nghiêm túc, chặt chẽ sẽ khó xảy ra gian lận và hạn chế tối đa những sai sót có thể xảy ra”- Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Liên quan đến những băn khoăn về việc chấm không đều tay giữa các địa phương với môn Ngữ văn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, hiện đã có hướng dẫn chi tiết việc chấm bài thi tự luận nên việc điều chỉnh điểm trong một câu rất ít. Nếu cán bộ chấm thi thực hiện theo đúng hướng dẫn thì sẽ bảo đảm công bằng và không có sự chênh lệch.

 

Đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 được đánh giá là cơ bản đảm bảo được mục tiêu an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.



Quy trình chấm thi môn trắc nghiệm rất chặt chẽ

Với việc chấm các bài thi trắc nghiệm, Trưởng Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia cho biết, quy trình chấm bài thi trắc nghiệm được thể hiện rất rõ trong quy chế và rất chặt chẽ.

Đầu tiên toàn bộ dữ liệu ảnh quét bài thi (đã được mã hóa) sẽ được đưa ra một đĩa CD, gọi là CD0. Đĩa CD0 này sẽ gửi cho Chủ tịch Hội đồng một bản, một bản gửi về Bộ GDĐT và Ban chấm thi để lưu giữ. Có CD0 rồi sẽ chuyển thành định dạng chấm là CD1...

Quy trình chuyển từ CD0 sang CD1 đều có mật khẩu. Mật khẩu đó phải được Chủ tịch Hội đồng (Giám đốc Sở GDĐT) nắm giữ, khi làm hết thao tác quy trình bước 1, giám đốc sở mới cho mật khẩu chuyển sang bước 2; sau đó đến bước 3, bước 4, tất cả đều có mật khẩu riêng.

Việc lùi quy trình (ví dụ đang ở quy trình 3, sang quy trình 1, 2) sẽ không làm được. Việc này chỉ thực hiện được khi báo cáo với Bộ GDĐT và phải được sự thống nhất chỉ đạo. Khi đó, mới có thể xem ngược lại quy trình.

“Việc tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm phải được thực hiện theo đúng yêu cầu và quy trình các bước theo quy định.

Những vấn đề phát sinh trong quá trình chấm bài thi trắc nghiệm phải được Ban chấm thi trắc nghiệm lập biên bản ghi nhận, mô tả sự việc và báo cáo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia để có quyết định xử lý kịp thời, phù hợp”- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý.

Cũng theo đại diện Bộ GDĐT, thi đợt nào xong sẽ công bố kết quả đợt đấy để thí sinh và phụ huynh yên tâm. Theo kế hoạch, ngày 26.7 các địa phương sẽ công bố kết quả thi đợt 1 của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

https://laodong.vn/giao-duc/cham-thi-tot-nghiep-thpt-2021-nhieu-hang-rao-ky-thuat-ngan-chan-gian-lan-929218.ldo
 

Theo Bích Hà (LĐO)

Có thể bạn quan tâm