Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Chặn bỏ cọc đất đấu giá: Tạo cơ chế để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo giới chuyên gia, việc một số doanh nghiệp hét giá “trên trời” rồi bỏ cọc những lô đất đấu giá nghìn tỉ gây tác động tiêu cực đối với thị trường bất động sản. Đã đến lúc cần có những biện pháp mạnh, “không cho phép ai lợi dụng chính sách để mưu đồ riêng”.

Các dự án BT trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Hùng Huy
Các dự án BT trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Hùng Huy


Nhiều hệ lụy khi doanh nghiệp "hét giá" rồi bỏ cọc

Sau khi các doanh nghiệp trúng đấu giá những lô đất Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TPHCM) với mức giá "khủng", giới chuyên gia đã nhìn ra nhiều điểm bất thường, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Cụ thể, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - cho biết, đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đánh giá về các cuộc đấu giá.

HoREA nhận định, ngay sau các cuộc đấu giá đất, đã xuất hiện các hành vi lợi dụng giá trúng đấu giá "ảo" để "té nước theo mưa", thổi giá, đẩy giá đất, giá nhà tại nhiều địa phương, hoặc để nâng giá trị trái phiếu, cổ phiếu hoặc nhằm "đánh vống" giá trị tài sản bảo đảm của các khoản vay tín dụng.

Và những hành vi này nếu thực hiện trót lọt thì có thể "rút ruột" ngân hàng hoặc để "làm sạch" bảng cân đối tài chính của doanh nghiệp nhằm mục đích trục lợi. Trên thực tế, giá nhà đất tại nhiều khu vực đã bị đẩy lên mức rất cao.

"Như vậy, không chỉ có doanh nghiệp đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc nhằm trục lợi mà nhiều doanh nghiệp khác cũng tìm cách "tối đa hóa lợi nhuận" sau các cuộc đấu giá" - HoREA nhận định.

Cần có chế tài đủ mạnh

PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai - Trường Đại học Luật Hà Nội - cho rằng, qua vụ việc ở Thủ Thiêm cho thấy hệ thống chính sách pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất của chúng ta còn bộc lộ những bất cập, chưa phù hợp.

Các doanh nghiệp đẩy giá lên cao sau đó bỏ cọc gây ra nhiều hệ lụy không tốt về kinh tế xã hội.

Ngoài ra, giá đất cao như vậy gây cản trở người thu nhập thấp không tiếp cận được nhà ở.

Dù để lại những hậu quả khôn lường đối với thị trường bất động sản, tuy nhiên về mặt pháp lý Luật sư Trương Thanh Đức nhận định, Tân Hoàng Minh hay các công ty con của họ đều đủ tư cách để tiếp tục tham gia đấu giá ở các lần đấu giá tiếp theo" - Luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ.

Trao đổi với PV Lao Động, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cũng cho biết, hiện tại chưa có quy định nào về việc doanh nghiệp không được bỏ cọc.

"Chế tài mạnh sẽ không còn xảy ra trường hợp như Tân Hoàng Minh. Nếu doanh nghiệp không mua, bỏ cọc thì phải phạt. Tiền đặt cọc ở ngưỡng 20% thì tương đối. Nếu làm được như vậy thì luật pháp sẽ nghiêm minh và chế tài mới đủ sức răn đe. Sau này những người trúng đấu giá, trúng thầu người ta mới không dám bỏ" - Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói.

Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành vào cuộc

Sau vụ việc bỏ cọc sau trúng đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Công điện của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an tăng cường nắm tình hình, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất nhằm trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng lưu ý việc chỉ đạo rà soát, tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, bất động sản ở các địa phương.

Đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, gây mất ổn định thị trường, kịp thời xác minh, làm rõ các sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật không để xảy ra trục lợi.

Rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập, thiếu sót, tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất nhằm phòng, chống hiệu quả các hành vi lợi dụng, hành vi vi phạm để trục lợi.

Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, kiểm tra, tăng cường công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để trục lợi, gây mất ổn định thị trường.

Các bộ, ngành cũng như địa phương cũng đã vào cuộc và đưa ra các biện pháp để tăng cường giám sát, quản lý việc đấu giá đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa nêu đề xuất trên trong dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Trong đó có một số nội dung đáng chú ý như người bỏ cọc đấu giá đất đồng thời sẽ mất tiền đặt trước (tiền cọc); phải trả các chi phí liên quan vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Người tự ý bỏ cọc và từ chối đấu giá đất thì trong 5 năm sẽ không được tham gia các cuộc đấu giá đất khác...

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, phải có chế tài mạnh mẽ hơn với người tự ý bỏ cọc đấu giá đất. Doanh nghiệp bỏ cọc sẽ phải xử lý "để lần sau họ không tham gia được, như vậy mới đủ sức răn đe".

Trước đó trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường đến thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chỉ ra hàng loạt những hạn chế, tiêu cực trong đấu giá đất thời gian qua.

Để chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất tại các địa phương, Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản; phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản.

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất sửa Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 để bổ sung các cơ chế, chính sách thực hiện điều tiết để thị trường bất động sản phát triển ổn định lành mạnh...

Chuyên gia "hiến kế"

Giới chuyên gia đã có nhiều chia sẻ, đóng góp các giải pháp để tạo cơ chế chính sách cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh trong thời gian tới.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM chỉ ra, do lựa chọn áp dụng "hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá" nên đã dẫn đến nhiều hệ quả.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM đề xuất không nên áp dụng hình thức "đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá" đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị.

"4 lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm vừa qua hoàn toàn có thể thực hiện một phương thức đấu thầu dự án có sử dụng đất. Những lô đất này hội tụ đủ 2 yếu tố là đất sạch và tài sản trên đất thuộc sở hữu Nhà nước, chỉ tiêu quy hoạch 1/500 ở đó đã được duyệt.

HoREA cho rằng, cần tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản nhằm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, không để xảy ra tình trạng "đấu giá cuội", "đấu giá có quân xanh - quân đỏ".

Từ đó ngăn ngừa hành vi thông đồng giữa các nhà đầu tư tham gia đấu giá, hoặc hành vi thông đồng giữa nhà đầu tư với người của cơ quan tổ chức đấu giá, hoặc hành vi của phần tử xấu ngoài xã hội "can thiệp" trái pháp luật vào các cuộc đấu giá, đấu thầu" - ông Châu nói.

TS Trần Xuân Lượng - Giảng viên chuyên ngành bất động sản (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, nếu xuất hiện những dấu hiệu thổi giá, làm méo mó thị trường thì có thể quy phạt hình sự.

 

https://laodong.vn/bat-dong-san/chan-bo-coc-dat-dau-gia-tao-co-che-de-thi-truong-bat-dong-san-phat-trien-lanh-manh-1034583.ldo

Theo Tuấn Anh (LĐO)
 

Có thể bạn quan tâm