Kinh tế

Giá cả thị trường

Chặn đà tăng của xăng dầu: Giảm ngay thuế và thực hiện chính sách an sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để giảm đà tăng của giá xăng dầu, ông Nguyễn Ngọc Bảo-Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, trong đó thực hiện song song giảm các sắc thuế và chính sách an sinh xã hội.

Áp Thuế Bảo vệ môi trường với ngư dân bám biển không phù hợp

Hiện nay, Bộ Tài chính đang đề xuất tiếp tục giảm Thuế Bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống mức 1.000 đồng mỗi lít với xăng, dầu là 500 đồng. Trong khi đó, Bộ Công Thương cho rằng cần thực hiện chính sách an sinh, hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đà tăng của giá xăng dầu. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

- Tôi cho rằng, nên thực hiện song song cả việc giảm thuế với xăng dầu và chính sách an sinh. Những công cụ nào có thể cân nhắc làm được thì cần làm ngay. Việc giảm thuế Bảo vệ môi trường xuống còn 1.000 đồng trong cơ cấu giá xăng sẽ giúp xử lý mặt bằng chung về giá, có nghĩa không để giá xăng tăng quá cao, quá "sốc".

Trường hợp đặc biệt mà giá đầu vào tăng cao hoặc giá nguyên liệu thế giới tăng cao, chúng ta phải sử dụng những công cụ, chính sách an sinh để giúp cho người dân nói chung, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, chịu tác động trực tiếp bởi giá xăng dầu sẽ bớt phần khó khăn.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ đầu năm, giá dầu diesel 0.05S - nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã tăng lên 65%, điều này khiến nhiều tàu cá phải ngừng hoạt động khai thác thủy sản do thu không đủ bù chi phí đầu vào. Chính sách an sinh, nếu được dùng sẽ hướng đến đối tượng này?

- Đối với mỗi đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đà tăng của giá xăng dầu cần phải có những hỗ trợ trực diện. Tôi cho rằng, những đối tượng cần được hỗ trợ ngay là các ngư dân bám biển, hệ thống vận tải, logistics.

Vì vậy, việc đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động là hợp lý.

Hiện nay, việc áp Thuế Bảo vệ môi trường với ngư dân bám biển có phù hợp không, thưa ông?

- Với ngư dân bám biển, đánh bắt xa bờ là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc tăng giá xăng dầu. Họ không chỉ được hưởng chính sách an sinh mà một số sắc thuế như Thuế Bảo vệ môi trường cũng không nên áp dụng với các đối tượng này.

 

Ông Bùi Ngọc Bảo. Ảnh: PLX
Ông Bùi Ngọc Bảo. Ảnh: PLX


 Có nên áp Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng?

Thực tế hiện nay, một số gói hỗ trợ của Chính phủ được giải ngân rất chậm, như gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Nếu thực hiện chính sách an sinh cho các đối tượng yếu thế chịu tác động trực tiếp bởi đà tăng của giá xăng dầu, cần có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên, thưa ông?

- Để việc thực hiện chính sách an sinh đúng và nhanh đến được các các đối tượng yếu thế, trước hết cần phải xem xét nguồn lực có bao nhiêu, sau đó phải xác định đối tượng rất cụ thể, quy chế thực hiện như thế nào.

Giả sử chính sách an sinh chỉ thực hiện đối với các ngư dân bám biển thì rất dễ bởi những đối tượng này được quản lý trực tiếp bởi các hợp tác xã, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, cũng còn nhiều đối tượng yếu thế không có sự quản lý rõ ràng, chồng chéo, cho nên rất khó để xác định.

Mức thuế bảo vệ môi trường được đề nghị giảm thêm 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít với dầu mà Bộ Tài chính đưa ra được các chuyên gia đánh giá là "không thấm" vào đâu so với sức nóng của giá xăng dầu thời gian qua. Trong khi sắc thuế nên miễn, hoặc giảm đầu tiên là Thuế Tiêu thụ đặc biệt, sau đó là thuế nhập khẩu, ông nhận định thế nào về vấn đề này?

- Bài toán kiểm soát giá xăng dầu cần được tính toán, đánh giá đầy đủ để dự báo được xu hướng giá xăng dầu nhằm có một lộ trình, giải pháp kiểm soát, điều hành giá mang tính bền vững hơn.

Việc tăng giá xăng dầu trong thời gian vừa qua một phần ảnh hưởng bởi yếu tố địa chính trị, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina. Chính vì vậy, rất khó có thể nhận định được rằng trong thời gian tới, giá xăng dầu thế giới giảm hay tăng.

Việc quyết định có giảm thêm 1.000 đồng với xăng và 500 đồng với dầu hay không sẽ thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, có thể làm được ngay.

Còn giảm các sắc thuế khác như Thuế Bảo vệ môi trường, Thuế Nhập khẩu hay Thuế Giá trị gia tăng… thì thẩm quyền thuộc Quốc hội, trong khi Kỳ họp thứ 3 vừa kết thúc, muốn giảm những sắc thuế phải lại phải chờ đến kỳ họp tiếp theo.

Có ý kiến cho rằng, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế, nên không cần thiết phải đánh Thuế Tiêu thụ đặc biệt với xăng, ông có ý kiến thế nào?

- Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu Thuế Tiêu thụ đặc biệt. Còn dầu là nguyên liệu sản xuất nên không phải chịu thuế này.

Chính vì vậy, việc duy trì Thuế Tiêu thụ đặc biệt với xăng vẫn cần thiết, còn việc giảm như thế nào lại là câu chuyện khác và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

- Xin cảm ơn ông!


Kỳ điều hành ngày 21.6, liên bộ Công Thương - Tài chính đã chính thức điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng lên mức 31.302 đồng/lít; xăng RON95-III tăng lên mức 32.873 đồng/lít. Như vậy, giá xăng duy trì mức tăng liên tiếp trong 7 kỳ điều hành vừa qua, tiếp tục thiết lập mức đỉnh trong lịch sử.

Trong khi đó, các mặt hàng dầu tăng mạnh hơn: dầu diesel 0.05S tăng 999 đồng/lít, lên mức 30.019 đồng/lít; dầu hỏa tăng thêm 946 đồng/lít, lên mức 28.785 đồng/lít…


https://laodong.vn/kinh-te/chan-da-tang-cua-xang-dau-giam-ngay-thue-va-thuc-hien-chinh-sach-an-sinh-1061207.ldo


Theo CƯỜNG NGÔ (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm