Cách đây vài hôm, ngày 20-11, một tin rất vui đến với người dân nói chung và đặc biệt là các bệnh nhân: Bộ Y tế cho công khai giá thuốc và trang thiết bị y tế trên Cổng công khai y tế của bộ này.
Theo công bố của Bộ Y tế, giá của hơn 60.000 loại thuốc, 28.000 loại thực phẩm chức năng và gần 17.000 giá thiết bị y tế được niêm yết giá cụ thể. Mọi người có thể tham khảo, so sánh lựa chọn, thậm chí có thể giám sát để kịp thời phản ánh nếu doanh nghiệp hoặc bệnh viện đưa ra giá cả bất hợp lý. "Không để người dân mù mờ về chi phí khám chữa bệnh" - đó là lời khẳng định của tân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Chi phí y tế luôn là gánh nặng của bệnh nhân dù giàu hay nghèo. Thậm chí, không ít gia đình có người bệnh nan y phải chấp nhận buông xuôi bởi không thể theo đuổi phác đồ điều trị kéo dài và quá tốn kém. Có điều, thông thường, khi đến bệnh viện, bệnh nhân và người nhà không thể nắm được giá thuốc và dịch vụ nên phải luôn chấp nhận những điều kiện được các bác sĩ đặt ra. Họ cũng không đủ kiến thức và kinh nghiệm để so sánh giá cả nào là hợp lý để đưa ra lựa chọn có lợi cho mình.
Dù muốn hay không, phải thừa nhận giá thuốc và thiết bị, vật tư y tế là cả một mê trận, chỉ người trong ngành mới có thể phần nào hiểu nổi. Những loại này hầu hết là phải nhập khẩu, qua nhiều doanh nghiệp và tầng nấc phân phối mới đến tay người bệnh nên thường không hề rẻ. Là mặt hàng đặc biệt nhưng nó cũng được mua bán cùng hàm chứa đủ mọi góc khuất chợ búa mà các cơ quan chức năng không dễ truy ra. Những vụ án nổi cộm như nhập khẩu thuốc chữa trị ung thư giả của VN Pharma hay nâng khống thiết bị xét nghiệm Covid-19 ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã phần nào phơi bày thực trạng đen tối trong lĩnh vực này.
Trong quá trình xã hội hóa thiết bị y tế đưa vào các bệnh viện, đã có những bàn tay nhớp nhúa đặt vào. Cùng một thiết bị nhưng có nơi đấu thầu vào bệnh viện với giá hơn chục tỉ đồng nhưng cũng có nơi chỉ vài tỉ đồng. Lý giải cho điều này, doanh nghiệp cho rằng mình nhập giá cao nên bán giá cao, còn tại sao doanh nghiệp khác nhập giá thấp thì họ không có trách nhiệm trả lời. Câu trả lời cho vấn đề này thật ra không khó, lãnh đạo ngành y tế địa phương, lãnh đạo bệnh viện đều biết, bởi doanh nghiệp sản xuất máy luôn niêm yết giá bán. Còn tại sao chấp nhận giá cao là cả một mê trận mà hậu quả cuối cùng sẽ đổ lên người bệnh.
Niêm yết giá thuốc và thiết bị y tế chỉ là bước đầu của cả quá trình dài chống lại những người đầu cơ trên người bệnh. Tiếp đó còn phải minh bạch giá thuốc và trang thiết bị sát với giá của nhà sản xuất; loại các doanh nghiệp độc quyền nâng giá nhập khẩu; xử lý những người thông đồng nâng giá thiết bị y tế...
Một ngành y tế ưu việt thì người bệnh sẽ được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, còn ngược lại họ sẽ dễ dàng trở thành nạn nhân của những kẻ trục lợi nhẫn tâm.
Theo Hồ Phi (NLĐO)