Xuất thân từ một vùng quê ở tỉnh Bạc Liêu, cha mẹ làm nghề nuôi tôm vụ được, vụ thất nên kinh tế gia đình Phát không mấy khá giả, có khi còn phải đi mượn nợ. Trong suốt quá trình học, Phát không nhận được nhiều sự định hướng trong việc chọn ngành nên đến khi thi tốt nghiệp THPT Phát cũng chưa biết bản thân yêu thích ngành gì.
Năm 2019, Phát chọn học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô tại một trường cao đẳng. Lý do chọn ngành này vì nghe theo lời người bạn thân cũng theo học tại đây. Học xong kỳ đầu tiên, Phát quyết định dừng lại vì cảm thấy không phù hợp.
Nguyễn Đại Phát là thủ khoa ngành kỹ thuật xây dựng của Trường ĐH Văn Lang. Ảnh Kim Ngọc Nghiên |
Dừng lại việc học nhưng Phát vẫn không muốn về quê, mà ở lại TP.HCM để đi làm phụ hồ tại Q.Tân Bình. Phát cho biết công việc này rất cực, ai sai gì làm nấy, từ khuân vác vật liệu, phụ nối dây điện… Thời điểm ấy, mỗi tháng Phát kiếm được khoảng 9 triệu đồng/tháng từ công việc phụ hồ, mức thu nhập khá tốt so với chàng trai 19 tuổi ngày đó.
Tuy nhiên, làm được 2 tháng thì công trình hoàn thành, lúc này Phát không còn việc nên khá lo lắng về tương lai. Trong quá trình làm phụ hồ, Phát nhận thấy công việc này quá vất vả, thậm chí về lâu dài gần như là đánh đổi sức khỏe. “Mình mới nhận ra nếu cứ làm phụ hồ thì 10 hay 20 năm nữa cũng chỉ dừng lại ở đó, không thể phát triển thêm. Vì vậy, mình đã quay lại trường đại học”, Phát nói.
Được định hướng rõ ràng, cùng với kinh nghiệm thực tế, lần này Phát nhận ra bản thân yêu thích ngành kỹ thuật xây dựng nên đã đăng ký học tại Trường ĐH Văn Lang vào tháng 9.2020. Hai học kỳ đầu tiên, Phát vừa học, vừa đi giao hàng để trang trải cuộc sống.
“Mình ý thức được gia đình không khá giả, việc trở lại trường đại học sẽ là gánh nặng của cha, mẹ dưới quê và chị gái. Vì vậy, mình luôn cố gắng đăng ký lịch học vào buổi sáng, chiều đi giao hàng đến khoảng 19 giờ, sau đó tắt ứng dụng và dành thời gian còn lại ôn bài. Với công việc giao hàng, mỗi tháng mình kiếm được từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng, để trang trải sinh hoạt phí”, Phát chia sẻ.
Trong quá trình học, Phát có 7 kỳ nhận học bổng học tập, trị giá từ 15 - 100% học phí. Vì học trễ một năm nên Phát luôn tập trung và muốn ra trường sớm. Vì vậy, từ cuối năm thứ hai, Phát đã tạm dừng công việc giao hàng. Có học kỳ, Phát đăng ký đến 11 môn, nhờ vậy mà đã tốt nghiệp sớm hơn 1 năm so với dự kiến. "Nếu không tốt nghiệp sớm, theo đúng lịch của nhà trường thì tháng 1.2025 mình mới bảo vệ đồ án tốt nghiệp", Phát nói.
Phát (trái) được nhận xét là tích cực tham gia các hoạt động phong trào. NVCC |
Phát tốt nghiệp loại giỏi và trở thành thủ khoa ngành kỹ thuật xây dựng với điểm trung bình (GPA) là 3.24/4.0. Phát cho biết đạt được kết quả này là nhờ vào sự siêng năng, hết mình trong học tập: “Khi còn ở bậc THPT, mình học tốt những môn như lịch sử, địa lý, còn toán, lý, hóa chỉ ở mức khá. Vì vậy, trong lúc học đại học, mình gặp rất nhiều khó khăn với những môn liên quan đến tính toán. Có vấn đề gì chưa hiểu, mình đều nhờ thầy, cô giảng lại bài. Mình cũng hay hỏi bài một số bạn trong lớp và kiên trì học đến khi nào hiểu tường tận vấn đề mới thôi”, Phát chia sẻ.
Chàng thủ khoa đạt học bổng trong suốt 8 học kỳ trị giá hơn 150 triệu đồng
Nghị lực của nữ thủ khoa người Nùng
Nữ thủ khoa dân tộc Thái hăng hái hoạt động Đoàn, tích cực vì cuộc sống cộng đồng
Tiến sĩ Vũ Hồ Nam, giảng viên Khoa Xây dựng, Trường ĐH Văn Lang, nhận xét: “Là giảng viên chủ nhiệm lớp của Phát, tôi có cơ hội quan sát và làm việc trực tiếp với em trong suốt quá trình học tập. Phát luôn để lại ấn tượng mạnh mẽ, lễ phép và tinh thần sẵn sàng giúp đỡ bạn bè. Phát là một sinh viên có trách nhiệm và biết lắng nghe, không chỉ trong học mà còn ở các hoạt động ngoại khóa”.
Tiến sĩ Nam nói thêm: “Một trong những điểm tôi thích nhất ở Phát chính là khả năng lắng nghe và hoàn thành tốt những bài tập, đồ án và nhiệm vụ được giao. Em không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành nhiệm vụ một cách đúng hạn và đạt yêu cầu, mà còn thể hiện sự phản biện tốt. Phát thường đưa ra những câu hỏi, ý kiến phản biện một cách xây dựng, nhằm hiểu rõ hơn về vấn đề trong học tập và tìm kiếm những giải pháp sáng tạo hơn”.
Theo Kim Ngọc Nghiên (TNO)