Tiếp nối nghề truyền thống cha ông để lại, anh Lê Quốc Đại sinh năm 1999, quê Thanh Hóa đã gây dựng công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm thủ công mây tre đan mỹ nghệ tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trên địa bàn huyện Hoằng Hóa.
Khởi nghiệp với lòng yêu nghề
Lê Quốc Đại (sinh năm 1999), sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống với nghề mây tre đan lâu đời. Được tiếp xúc với nghề từ rất sớm nên với nghề đan lát anh có sự gắn bó rất sâu sắc. Từ hồi còn là sinh viên của trường Đại học Thương Mại, anh đã từng làm qua một số nghề nhưng vì lòng yêu nghề truyền thống, muốn tiếp nối và phát triển nét đẹp mà cha ông truyền lại nên anh đã quyết định rời Thủ đô về quê lập nghiệp.
Theo anh Đại chia sẻ, ban đầu khi mới bắt đầu kinh doanh, với số vốn ít ỏi tiết kiệm được từ những công việc anh làm thêm trước đó nên quy mô kinh doanh vẫn còn hẹp. Mặt bằng lúc bấy giờ còn chưa có nên chủ yếu sản xuất ở nhà. Bây giờ làm nhiều, quen dần với công việc nên cũng có nhiều mối làm ăn, quy mô xưởng sản xuất cũng được mở rộng hơn.
Sản phẩm được kiểm tra đạt chất lượng mới đóng gói |
Xưởng sản xuất rất nhiều loại mặt hàng, từ chao đèn, sọt đựng, khay tre, mẹt tre,… hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên. Để hoàn thiện được một sản phẩm mây tre cần trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, từ việc tìm nguồn nguyên liệu, chọn nguyên liệu, tới chế biến, uốn nắn, nhúng keo, bảo quản,… tất cả đều đòi hỏi người làm phải có sự khéo léo tay nghề bởi chỉ cần sơ suất là có thể bị cật nứa cứa vào tay.
Một phần quá trình tạo khung cho sản phẩm |
Một sản phẩm mới được tạo ra đều là kết quả của nhiều ngày đêm miệt mài làm việc, nghiên cứu của anh và đội ngũ kỹ thuật. Trung bình mỗi sản phẩm được đưa ra thị trường cần nhiều thời gian nghiên cứu về các kỹ thuật và tính thực tiễn của sản phẩm. Thời gian đội kỹ thuật nghiên cứu thường dao động khoảng 7 ngày và sau đó cần vài tháng để có thể dạy công nhân làm thành thạo các khâu.
Chia sẻ về những khó khăn ban đầu, anh Đại cho biết: “Bên cạnh những công nhân có tay nghề ở làng còn có nhiều công nhân đến từ các xã khác, họ chưa được tiếp xúc với nghề mây tre đan nên phải đào tạo từ đầu cho họ. Mặt bằng chưa có nên người dân đem nguyên liệu về nhà làm dẫn đến việc khó theo sát được tiến độ công việc. Ngoài ra mới đi vào sản xuất nên công ty chưa có lãi mà chỉ đủ để trả lương cho công nhân và duy trì các chi phí khác.”
Các sản phẩm công ty sản xuất chủ yếu được bán nhiều trong nước, cho các thương lái, những nhà hàng, khách sạn và cả bán lẻ cho những hộ gia đình để trang trí không gian sống, làm việc; một phần được xuất khẩu ra nước ngoài. Mặc dù thị trường mây tre đan trong nước đang dần bão hòa trong những năm gần đây nhưng tần suất xuất hàng đi của công ty vẫn được duy trì nhờ có những mối làm ăn cũ, bền bỉ. Họ gắn bó với công ty bởi lòng tin và chất lượng sản phẩm cao.
Dựa vào lợi thế làng nghề tạo công ăn việc làm cho người dân
Mây tre đan không phải là một nghề kén người làm, dù là già hay trẻ, nam hay nữ đều có thể tạo ra được những sản phẩm mây tre đan đẹp mắt. Xưa nay làng nghề vốn chỉ quẩn quanh sản xuất mẹt, rổ, rá,... với những họa tiết đơn giản, ít sáng tạo nên thu nhập cũng không cao. Từ khi công ty mây tre đan được mở, đã đưa những kỹ thuật mới vào làng nghề như kỹ thuật làm chao đèn, kỹ thuật làm sọt đựng, khay tre,… với những họa tiết đẹp, bắt mắt hơn, cũng vì thế mà người dân có thu nhập cao hơn.
Tính đến nay, công ty của anh Đại đã đi vào hoạt động được gần 4 năm. Từ địa điểm khởi nghiệp ban đầu là ngôi nhà nhỏ của gia đình, hiện tại anh đã mở được xưởng sản xuất mây tre đan với quy mô vừa, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương, bao gồm cả nhân công chính thức làm việc tại xưởng cũng như nhân công tự do - làm việc tại nhà. Mỗi tháng, công ty sản xuất được hàng ngàn sản phẩm.
Khu vực đóng gói hàng |
Vừa tốt nghiệp THPT, đang loay hoay tìm việc làm ở quê, em Hoàng Thị Hạnh (sinh năm 2004, thôn Bình Tây xã Hoằng Thịnh) đã tìm được cơ hội việc làm ngay gần nhà tại công ty của anh Đại. Em Hạnh cho hay: “Khi được làm việc ở đây, em có đồng lương ổn định. Với mức thu nhập mỗi tháng hơn 5 triệu đồng đủ cho cuộc sống ở quê hơn nữa những công việc ở đây cũng không khó nhọc nên em yên tâm gắn bó.”
Anh Đại chia sẻ: “Xã Hoằng Thịnh chúng tôi xưa nay vốn nổi tiếng với làng nghề truyền thống mây tre đan. Những người dân quê chân chất nhưng lại có bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo, mỗi người làm nghề đều là một nghệ nhân. Nhiều người làm nghề lâu năm họ có sự nhạy bén rất cao và khả năng xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình hoàn thiện sản phẩm rất tốt. Khi bắt đầu khởi nghiệp, tôi được những người đi trước chỉ dạy cho rất nhiều cách làm hay mà không một quyển sách hay lớp học nào có được. Tất cả những thứ tôi được truyền dạy đều là những kinh nghiệm xương máu được đúc rút qua hàng chục năm làm nghề của cha ông.
Khởi nghiệp trên chính đất nghề cũng mang lại không ít lợi ích, nguồn nhân công có kinh nghiệm luôn sẵn, không cần mất nhiều thời gian đào tạo mà năng suất người lao động lành nghề tạo ra rất cao.”
Vừa được làm nghề truyền thống vừa kiếm thêm được thu nhập cho gia đình nên mọi người đi làm cũng phấn khởi. Ngoài những giờ làm việc trên công ty, mọi người hoàn toàn có thể đem sản phẩm về nhà làm. Người biết lại chỉ cho người chưa biết ở nhà nên số lượng mặt hàng thủ công của làng nghề sản xuất ra cứ thể mở rộng và đa dạng hơn.
Nói về dự định trong tương lai, anh Đại chia sẻ, sẽ sớm ổn định nguồn vốn, tiếp tục mở rộng quy mô xưởng sản xuất mây tre đan ở những vùng khác trên địa bàn tỉnh để người lao động có cơ hội làm việc gần, tạo thêm viêc làm cho người trẻ được làm việc trên chính mảnh đất quê hương mình. Đồng thời, anh cũng đang tìm hướng đi mới, xuất khẩu hàng mây tre đan sang thị trường các nước châu Âu.
https://tienphong.vn/chang-trai-9x-khoi-nghiep-voi-nghe-truyen-thong-tao-viec-lam-cho-hang-tram-cong-nhan-post1492805.tpo
Theo LÂM THÙY DƯƠNG (TPO)