Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Chàng trai 9X "thổi hồn" vào những... gốc tre

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những gốc tre sần sùi, thô ráp tưởng chừng như thứ bỏ đi đã được anh Đào Văn Bình (SN 1992, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) "thổi hồn" vào đó để tạo nên những sản phẩm thú vị.

Anh Bình chia sẻ, hơn hai năm trước, khi xem trên Youtube thấy người nước ngoài làm các sản phẩm từ gốc tre rất đẹp nên anh dần đam mê và yêu thích. Anh suy nghĩ, ở Việt Nam rất nhiều tre, tại sao mình không làm thử? Nghĩ là làm, thời gian đầu, anh Bình đi tìm mua các phôi tre về trồng nhưng gặp không ít khó khăn, như: chưa biết chọn phôi đẹp, lạ và chăm sóc, lựa chọn mầm tre ra sao để khi cây mọc lên có hình dáng đẹp... dẫn đến đã làm hỏng rất nhiều phôi.

Anh Đào Văn Bình (phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột) giới thiệu về cây tre bonsai cho khách.

Anh Đào Văn Bình (phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột) giới thiệu về cây tre bonsai cho khách.

Về sau, anh Bình tham gia vào các hội nhóm cây cảnh bonsai trên mạng xã hội để học hỏi, cũng như giao lưu với những người đã có kinh nghiệm để học cách chăm sóc, cách chọn phôi, cắt tỉa cành. Đến nay, vườn bonsai của anh có hơn 300 phôi, chủ yếu là giống tre vàng Thánh Gióng và tre gai. Tùy theo giống tre, anh đã tạo ra những kiểu dáng đẹp mắt khác nhau.

Phôi tre được anh săn lùng nhiều nơi, nhưng chủ yếu ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp và các tỉnh phía Bắc. Theo anh Bình, không phải bụi tre nào cũng có phôi đẹp, có lúc đi nhiều nơi tìm kiếm, nhưng không có hoặc khi có phôi đẹp thì nằm ở giữa bụi tre rất khó để đào lên. Cây phôi bonsai thường là những cây bụi mọc hoang ngoài tự nhiên, sau một thời gian được cắt tỉa, uốn nắn, chăm chút mới thay đổi hình dáng. Để chăm sóc phôi tre thành một cây bonsai phải mất thời gian từ 1 - 2 năm. "Vì cây tre mọc tự nhiên, mỗi gốc tre mang một dáng vẻ riêng nên sau khi mua phôi về, muốn có thế đẹp phải xử lý gọt, tỉa tạo thế. Sau đó sẽ đem gốc đi ủ cho ra rễ và tạo mầm theo ý muốn người chơi. Sau một thời gian, mầm tre cứng cáp, tươi tốt thì tập trung vào chăm sóc phần tán, lá cây để sản phẩm hoàn thiện hơn", anh Bình chia sẻ.

Tùy theo dáng, thế và kích thước của cây bonsai mà giá bán mỗi cây sẽ khác nhau. Anh Bình tham gia vào những hội nhóm tre bonsai Việt Nam, tre phong thủy hay các hội sinh vật cảnh để giới thiệu các tác phẩm của mình và đã được đông đảo những người có chung niềm đam mê như anh ở trong và ngoài tỉnh biết đến.

Những lồng chim sắc sảo được anh Đào Văn Bình làm từ phôi tre bị hỏng.

Những lồng chim sắc sảo được anh Đào Văn Bình làm từ phôi tre bị hỏng.

Bên cạnh chế tác tre bonsai, các phôi bị hư hỏng được anh tận dụng làm lồng chim, ghế đôn, điếu cày... Để làm ra những sản phẩm này, các phôi được đem đi luộc chín, sau đó phơi khô, quét dầu để chống ẩm mốc và mối mọt rồi mới tiến hành gia công tạo hình. Mỗi sản phẩm đều được sơ chế, xử lý kỳ công và tỉ mỉ.

Cây tre vốn gắn liền với hình ảnh quen thuộc, là biểu tượng cho sự kiên cường, bất khuất của người dân Việt Nam. Bằng sự khéo léo, anh Đào Văn Bình đã tạo nên những tác phẩm bonsai đẹp và giàu ý nghĩa, góp phần làm phong phú thêm cho nghề cây cảnh.

Có thể bạn quan tâm