Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Chàng trai đưa cá bơi, hoa nở, tranh Phật lên đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bảo lưu đại học để theo đam mê hội họa, từ những viên đá cuội bỏ đi, Kiên nhặt về biến thành những tác phẩm tiền triệu.

Căn phòng 20 m2 được sắp xếp gọn gàng thành xưởng chế tác tranh của Nguyễn Trung Kiên (22 tuổi), sinh viên đại học Xây dựng Hà Nội. Xưởng của Kiên chuyên nhận vẽ tường, vẽ tranh trang trí, nhưng nổi tiếng nhất là những bức tranh trên đá cuội.

Cả bức tranh chỉ là một viên đá to bằng lòng bàn tay, trên đó cá bơi, hoa nở, Phật ngồi thiền... sống động như thật. Tranh về Phật giáo và thiên nhiên mang về cho cậu sinh viên nhiều lời khen hơn cả. Những bức tranh vẽ theo hướng thiền định có màu sắc trầm ấm, bố cục hài hòa.

 

 Tranh của Kiên khác biệt trên thị trường vì màu sắc hài hòa, nhân vật có hồn. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Tranh của Kiên khác biệt trên thị trường vì màu sắc hài hòa, nhân vật có hồn. Ảnh: Trọng Nghĩa.



 "Vẽ tranh Phật phải bỏ hết tạp niệm, chỉ cần có chút ồn ào, hoạt động chế tác sẽ dừng lại ngay", chàng trai trẻ chia sẻ. Hay nói cách khác, sản phẩm của Kiên khác biệt vì chính tâm niệm và sự nghiêm túc của cậu khi đặt cọ vẽ.

Anh Nguyễn Tuấn Anh (Hoàng Mai, Hà Nội), khách hàng đã mua nhiều sản phẩm của Kiên, nhận xét, "sản phẩm của Kiên có hồn, thu hút người nhìn ngay lần đầu nhìn vào. Khó có thể nhận ra đây là tác phẩm của một người vừa ngoài đôi mươi".

Để có được chút thành công, Kiên đã trải qua 2 năm vật lộn bươn chải, có lúc không còn xu dính túi để mua đồ ăn. Năm 2017, cậu trai mắt cận quyết định bỏ học Đại học xây dựng khoa kiến trúc để theo đuổi đam mê hội họa của mình. Đó cũng là khoảng thời gian Kiên khởi nghiệp với những viên đá lăn lóc chốn rừng sâu, sông suối.


 

Một bộ quà tranh đá cuội bao gồm hộp quà, phụ kiện trang trí và thiệp mừng. Ảnh: NVCC.
Một bộ quà tranh đá cuội bao gồm hộp quà, phụ kiện trang trí và thiệp mừng. Ảnh: NVCC.



 "Một ngày bố mẹ mình tá hỏa vì nhà trường gửi giấy báo về nhà thông báo mình học kém, rớt nhiều môn. Mình cũng nói rõ nguyện vọng là muốn tạm ngưng học để đi làm, nhưng bố mẹ nhất quyết từ chối và cắt mọi khoản tiền", Kiên kể.

Điên đảo tìm mọi cách để duy trì cuộc sống, khách đặt vẽ 20-30 nghìn không có lời, Kiên cũng nhận để giữ khách. Có khoảng thời gian hơn 3 tháng không có ai thuê vẽ, cậu mệt mỏi muốn buông xuôi mọi thứ.

Một hôm đứng bên sông, bụng đói cồn cào, không có gì để ăn, Kiên chỉ biết ngồi mân mê những viên đá cuội. Ý tưởng những bức tranh vẽ trên đá lóe lên, cậu nhanh chóng bắt tay vào thực hiện. Bức đầu tiên là tượng Phật nằm ngủ, lấy từ viên đá giã cua của một người cô.

Bức tranh được vẽ trong 5 ngày, nhưng đến lúc hoàn thành mới phát hiện đá bị ngấm nước làm lem hình, phải sấy và sửa lại mất thêm 2 ngày. Tuy nhiên, sau khi đăng lên mạng xã hội, lập tức có người quan tâm và hỏi mua. Tiếp sau đó là hàng chục người nhắn tin đặt hàng, chỉ sau một đêm, sản phẩm của Kiên được nhiều người săn đón.

 Vì ở đồng bằng khó tìm đá, Kiên phải đi Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái...để tìm. Nguyên liệu phải có độ nhẵn mịn cao, có kích thước vừa phải và có tính bền vững. "Đá đối với mình quý như vàng, nếu chọn đá không đẹp, chắc chắn sản phẩm không có giá trị, gây lãng phí", Kiên chia sẻ.

Đá cuội nhặt về được cạo sạch, phủ sơn nền. Lớp nền màu trắng là phần quan trọng nhất, sử dụng từ sơn chuyên dụng do Kiên tìm tòi pha chế. Khác với vẽ trên giấy, bề mặt đá có những độ sần sùi nhất định, nếu không có lớp nền tốt, hình vẽ sẽ nhanh chóng phai màu, công đoạn phác họa cũng trở nên khó khăn hơn.

Sau khi phác họa bằng bút chì, tranh được vẽ bằng sơn 3D bền chắc, mất 1-5 ngày tùy độ khó của sản phẩm. Vì bề mặt của đá cuội nhỏ, nên người vẽ phải hạn chế tối đa việc sửa các đường nét, làm mất đi độ tinh xảo của hình.

Ngoài ra, Kiên còn đề cao yếu tố không gian và tâm lý khi làm việc. Cậu sẵn sàng cho cả xưởng nghỉ một vài ngày khi sức khỏe của các họa sĩ không tốt hay hàng xóm có sự kiện gây ồn ào.


 

Không gian làm việc của Kiên luôn thoáng đãng và ngập tràn sắc hoa. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Không gian làm việc của Kiên luôn thoáng đãng và ngập tràn sắc hoa. Ảnh: Trọng Nghĩa.



 Sau khi hoàn thành sản phẩm, Kiên sắp xếp phông nền, ánh sáng để chụp lại và đăng trên mạng xã hội. Vốn được học về thiết kế đồ họa, ảnh chụp sản phẩm của cậu cũng có sự thu hút nhất định.

Tất cả các sản phẩm dù bình dân hay cao cấp, Kiên đều đóng hộp trang trọng, tặng kèm giá đỡ để khách hàng có thể dễ dàng trang trí. Cậu còn chỉ dẫn thêm cho nhiều bạn trẻ đồng trang lứa, tạo cơ hội việc làm cho họ.

"Tranh của Kiên khá đẹp, tuy chỉ là một sinh viên nhưng có ý tưởng sáng tạo rất đáng khen. Ngoài ra, cậu ấy còn đầu tư mẫu mã và bao bì khá công phu", họa sĩ Lê Linh - chủ nhân bộ truyện Thần đồng đất Việt - nhận xét về sản phẩm tranh đá của Kiên.

Chàng trai trẻ không dừng lại ước mơ của mình ở Hà Nội và TP HCM, cậu đang tìm cách đưa sản phẩm của mình ra một số nước Đông Nam Á.

 

Trọng Nghĩa (VNE)

Có thể bạn quan tâm