Sống trẻ - Sống đẹp

Sống đẹp

Chàng trai giữ hồn điệu múa Rô-băm của đồng bào Khmer

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trăn trở trước thực trạng nghệ thuật múa Rô-băm của đồng bào Khmer dần mai một, Nguyễn Văn Thanh Toàn (25 tuổi, ngụ xã Xà Phiên, H.Long Mỹ, Hậu Giang) quyết tâm đi học, tự làm mặt nạ trình diễn để truyền cảm hứng cho người trẻ.

Toàn cho biết cha anh là người Kinh, mẹ người dân tộc Khmer. Anh lớn lên ở vùng đất có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất tỉnh Hậu Giang. Bà ngoại và mẹ từng là thành viên đội hát dù kê, nên Toàn yêu thích bản sắc dân tộc từ nhỏ.

Toàn tự làm mão để trình diễn điệu múa Rô-băm. Ảnh: THANH DUY

Toàn tự làm mão để trình diễn điệu múa Rô-băm. Ảnh: THANH DUY

Nghỉ học sớm, Toàn ở nhà phụ cha mẹ việc đồng áng, thỉnh thoảng làm thêm lao động tự do. Mọi người xung quanh có thể thấy được năng khiếu và "máu" văn nghệ của Toàn. Nhận nhiều lời khuyên, Toàn quyết định học nhạc công, trước là dàn ngũ âm, sau chuyển sang hát Aday. Đây là niềm tự hào của người dân xã Xà Phiên, vì được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022. Bằng sự nỗ lực tập luyện, Toàn trở thành cộng tác thường xuyên của Phòng VH-TT H.Long Mỹ.

Đi diễn nhiều nơi, cảm nhận bản sắc văn hóa Khmer được mọi người yêu thích, Toàn vui mừng khi một số loại hình nghệ thuật của dân tộc mình đang "hồi sinh", nhưng cũng có môn bị mai một, điển hình là múa Rô-băm.

Nhận thấy việc tự học múa Rô-băm không dễ, anh xin giấy giới thiệu của Phòng VH-TT H.Long Mỹ đi học tại Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng.

"Múa Rô-băm của đồng bào Khmer thường được biểu diễn vào các dịp lễ lớn, nhất là dâng bông, kiết giới Sima (khánh thành). Điệu múa này tái hiện lại những tình tiết của tuồng cổ điển Riêm-ke, với các nhân vật chính là nàng Sita, chằn Krông Reap, thần khỉ Hanuman", Toàn chia sẻ.

Rô-băm có 33 điệu và thể múa, riêng múa chằn có 12 điệu, mỗi điệu có ý nghĩa và tạo hình khác nhau. Để đúng với tinh thần điệu múa, Toàn kỳ công làm mão (mặt nạ), dù chưa từng học qua trường lớp. Tận dụng thùng mì gói, nước ngọt…, Toàn làm khung, cắt vải đắp lên dần để giữ độ cân bằng khi di chuyển. Tiểu tiết đắp nổi nhấn nhá được làm bằng những tấm nhựa, màu sắc hoa văn thì vẽ bằng tay.

Mặt nạ chim thần do Toàn tự làm. ẢNH: THANH DUY

Mặt nạ chim thần do Toàn tự làm. ẢNH: THANH DUY

Đến nay, Toàn làm được 7 mão, gồm 4 chằn, 2 khỉ, 1 chim thần. Cách làm này giúp tiết kiệm đáng kể nếu phải mua (giá mỗi mão dao động từ 1 - 5 triệu đồng).

Kiến thức và kỹ thuật múa Rô-băm rất phong phú. Những gì học được, Toàn đều chia sẻ, chỉ dạy cho những bạn trẻ. Anh phấn khởi khi nhiều bạn trẻ trong xóm hưởng ứng, bày tỏ sự yêu thích điệu múa truyền thống và phụ huynh hết lòng ủng hộ, khuyến khích. Những ngày cuối tuần, nhiều học sinh, thanh niên hay đến nhà nhờ Toàn chỉ dạy cách làm mão để giữ hồn cho điệu múa. Trước đó, Toàn cũng có dạy múa dân gian, những học viên múa tốt được anh kết hợp đi diễn, vừa có thêm thu nhập, vừa giới thiệu được nét văn hóa truyền thống.

Thường xuyên đến luyện vẽ mão, Lý Thế Nhân (17 tuổi, ngụ xã Xà Phiên) chia sẻ: "Mình thấy anh Toàn đăng hoạt động trên Facebook là xin tham gia ngay. Đến đây, mình không chỉ được học vẽ mà còn có cơ hội xem anh ấy biểu diễn múa. Múa tới đâu, anh Toàn hướng dẫn tới đó để mọi người làm theo. Từ chưa biết gì về múa Rô-băm, bây giờ mình đã học được kha khá động tác, có thể tham gia biểu diễn cùng cộng đồng".

Có thể bạn quan tâm