20 tuổi, Hà Văn Hải (ngụ xã Nghĩa Long, H.Nghĩa Đàn, Nghệ An) mới vào đại học. "Nhà khó khăn quá, mình định học xong THPT rồi đi tìm việc làm, nhưng lại nghĩ không học sẽ rất khó để tìm kiếm được cơ hội cho cuộc đời. Sau 2 năm tốt nghiệp THPT, mình mới quyết định thi đại học", Hải kể.
Hà Văn Hải thi đậu vào Khoa Tài chính ngân hàng (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM). Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ban ngày Hải đến trường, đêm và ngày nghỉ thì đi làm nhân viên bảo vệ để kiếm tiền ăn học. Năm 2014, chàng trai tốt nghiệp, nhưng không bám lại thành phố để kiếm việc làm mà quyết định về quê lập nghiệp.
Về quê, Hải quyết định vay vốn ngân hàng để nuôi dê. 25 con dê giống sinh trưởng và phát triển tốt, giá dê thịt thời điểm đó cao nên rất có triển vọng. Một năm sau đó, anh vay thêm vốn để nâng số dê lên gấp đôi. Thế nhưng do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, đàn dê gặp phải dịch bệnh không biết cách chữa trị nên dê chết.
Thất bại, vợ chồng Hải sau đó rời quê ra Bắc Ninh tìm việc làm. Gần 2 năm sau, chàng trai quyết định về quê khởi nghiệp lại bằng nghề trồng cỏ. "Thời gian ở Bắc Ninh, mình lên mạng, phát hiện nhiều người đang có nhu cầu cần cỏ để phát triển chăn nuôi. Các giống cỏ bản địa lâu nay năng suất và chất lượng dinh dưỡng thấp nên nông dân rất cần có các loại giống cỏ lai tạo hiệu quả cao hơn. Quê mình đất rộng, trồng cỏ rất phù hợp", Hải kể.
Quyết định trồng cỏ để bán của Hải vấp phải sự ngăn cản của bố mẹ anh vì nghĩ cỏ mọc đầy, cho không ai lấy huống chi là mua. Nhưng chàng trai này đã thuyết phục được bố mẹ và quyết định sử dụng 2 ha đất vườn, rừng của gia đình để trồng cỏ. Hải mua các giống cỏ đã được lai tạo về trồng. Giống cỏ phát triển cao, lá to, mềm, ngọt đã khiến nhiều người chú ý. Hải thu hoạch cỏ, lấy lá để chăn nuôi gia súc, thân cỏ được chặt thành khúc, mỗi khúc 40 cm để bán. "Ban đầu nhiều người cười nhạo, nghĩ mình khùng vì có ai đi mua cỏ bao giờ. Nhưng khi thấy mình xuất bán đi các nơi, họ mới tin là thật", Hải cho hay.
Thấy chất lượng giống cỏ lai chất lượng hơn nhiều so với cỏ voi bản địa, sau đó nhiều người dân địa phương cũng đến mua giống cỏ của Hải về trồng. Từ đó, khu đất 2 ha này luôn được trồng các giống cỏ khác nhau để thử nghiệm và nhân giống để bán cho người dân. Hải cho biết các giống cỏ này rất ít bị bệnh nên dễ trồng. Vừa bán giống, Hải vừa hướng dẫn kỹ thuật trồng cho người dân. "Nhiều giống cỏ có thể sử dụng được nhiều vòng đời. Cứ thu hoạch xong lại dùng thân cây cắt thành khúc để ươm cho vụ sau nên hiệu quả kinh tế rất cao", Hải chia sẻ.
Đến nay, chàng trai 34 tuổi này đã trồng hơn 20 loại cỏ, cung cấp cây và hạt giống cho người dân trong cả nước. Nghề tay ngang này thành công đã giúp vợ chồng Hải thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng/năm từ việc bán giống cỏ.
Hải cũng tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động khác. Nhiều hộ gia đình ở địa phương cùng kết hợp với vợ chồng Hải vừa chăn nuôi vừa cung cấp giống cỏ, tăng thêm thu nhập.
Theo Khánh Hoan (TNO)