Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Phải khôi phục, phát triển rừng và đảm bảo nguồn nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong chuyến thăm và làm việc tại Tây Nguyên, ngày 20-6, ở TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị giao ban với các tỉnh Tây Nguyên về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh. Cùng dự có Thượng tướng Tô Lâm-Bộ trưởng Bộ Công an, đoàn công tác của Chính phủ và lãnh đạo chủ chốt các tỉnh Tây Nguyên. Về phía Gia Lai có các đồng chí: Dương Văn Trang-Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo một số sở, ngành.

Tây Nguyên còn nghèo

Hiện nông-lâm nghiệp chiếm 80% cơ cấu kinh tế toàn vùng Tây Nguyên. Trong 6 tháng đầu năm nay, khu vực này đối mặt với khô hạn kéo dài, gây mất trắng gần 7.400 ha lúa, gần 7.900 ha cà phê... tổng thiệt hại khoảng 5.400 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu nửa đầu năm cũng giảm (năm thứ ba liên tiếp giảm). Tuy nhiên, kinh tế Tây Nguyên vẫn có những điểm sáng như tăng trưởng kinh tế đạt 6%, tái cơ cấu nông nghiệp đang đúng hướng, đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào những loại cây có giá trị cao như chè, cà phê, rau, cây ăn trái, hoa...

 

Phó Thủ tướng (nay là Thủ tướng) Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai tháng 3-2016.       Ảnh: K.N.B
Phó Thủ tướng (nay là Thủ tướng) Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai tháng 3-2016. Ảnh: K.N.B

Về cơ bản, kinh tế-xã hội Tây Nguyên còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Những thách thức đặt ra đối với Tây Nguyên hiện nay, đó là hệ thống thủy lợi không đáp ứng được yêu cầu sản xuất, sinh hoạt khi hạn hán xảy ra, thiếu hồ chứa nước. Tỷ lệ hồ chứa hiện nay mới đáp ứng được 1/4 diện tích. Người dân khai thác nước ngầm cũng chỉ tưới thêm được 1/4 nữa, còn lại 50% diện tích phụ thuộc vào thiên nhiên. Cùng với đó là rừng đang bị tàn phá, buôn lậu gỗ vùng biên khó kiểm soát, sản lượng và diện tích rừng sụt giảm. Cơ sở hạ tầng của vùng chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư. Trong khi đó, người dân di cư tự do vào Tây Nguyên khá lớn, vượt khỏi tầm đảm bảo công ăn việc làm và cơ sở hạ tầng của vùng, tác động không nhỏ đến quy hoạch sản xuất nông-lâm nghiệp, nhất là việc lấn chiếm đất rừng, phá rừng, phát triển các loại cây công nghiệp tự phát, trong đó có cả những cây thế mạnh như cà phê.

Những năm qua, nguồn lực đầu tư cho Tây Nguyên rất lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhưng vẫn có tình trạng đầu tư phân tán. Cũng theo nhiều đại biểu tại hội nghị, thế mạnh “trời cho” của vùng là đất đai màu mỡ lại chưa được khai thác hiệu quả. Tây Nguyên hiện có khá nhiều sản phẩm cây công nghiệp nhưng chưa thiết lập được hệ thống phân phối hiệu quả; tỷ lệ doanh nghiệp còn ít.

Phải bảo vệ rừng và nguồn nước

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, diện tích rừng Tây Nguyên bị tàn phá nghiêm trọng, mất 1,5 triệu ha rừng, tương đương 41% diện tích. Chỉ trong 5 năm qua, trữ lượng rừng Tây Nguyên giảm 17,4%, tình trạng khai thác rừng và lâm sản trái phép, vi phạm phòng cháy chữa cháy rừng vẫn diễn ra nghiêm trọng. Nhiều nơi rừng chỉ còn trên giấy. Đây là nguyên nhân quan trọng làm nghiêm trọng hơn tình trạng hạn hán, sa mạc hóa tại Tây Nguyên. Trong khi đó, việc trồng rừng lại triển khai chậm. Lẽ ra Tây Nguyên cần phải trồng thêm gần 22.000 ha rừng, nhưng mới chỉ trồng được khoảng 4.800 ha.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đối với Tây Nguyên, nước và rừng là vấn đề quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng là phải khôi phục, phát triển rừng Tây Nguyên, ngăn chặn tình trạng phá rừng nghiêm trọng đang xảy ra. Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến của các bộ, ngành và địa phương về nhiều giải pháp, trong đó có cả đề xuất sửa Luật Đa dạng sinh học và Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

 

Phó Thủ tướng (nay là Thủ tướng) Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình hạn hán tại huyện Chư Pưh tháng 3-2016. Ảnh: K.N.B
Phó Thủ tướng (nay là Thủ tướng) Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình hạn hán tại huyện Chư Pưh tháng 3-2016. Ảnh: K.N.B

Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng cơ chế chính sách khôi phục, phát triển rừng Tây Nguyên, trình Thủ tướng trong thời gian sớm nhất. Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu che phủ rừng Tây Nguyên phải đạt trên 59% vào năm 2020 (hiện chỉ còn dưới 45%).

Theo Thủ tướng, ở các địa phương, bên cạnh việc phát triển kinh tế-xã hội, Tỉnh ủy và UBND các tỉnh chưa quan tâm đúng mức tới bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng. Rừng có chủ mà như vô chủ. Diện tích giao hộ gia đình quản lý chỉ khoảng 4%, còn 96% là các ban quản lý bảo vệ rừng để mất rừng. Mặt khác, nguyên nhân chính là đất rừng không có chủ, hoặc có chủ rồi nhưng lực lượng mỏng, cộng với tình trạng tiêu cực, tham nhũng, “móc ngoặc” trong vấn đề bảo vệ khai thác rừng tương đối phổ biến. Lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ rừng, kể cả chính quyền chưa làm tròn trách nhiệm, nhất là lực lượng kiểm lâm, công an và vai trò giám sát của nhân dân. Thủ tướng cũng nêu lên tình trạng các địa phương để người dân di dân một cách tự do, chưa quy hoạch ổn định cả đầu đi và đầu đến dẫn đến phá rừng lấy đất trồng cây công nghiệp. Một số tỉnh chuyển rừng nghèo sang cây công nghiệp chưa quản lý chặt chẽ dẫn đến tình trạng phá rừng.

Thủ tướng yêu cầu huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quyết tâm khôi phục và phát triển rừng bền vững, gắn với đời sống của người dân địa phương có rừng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác, kể cả các dự án đã phê duyệt mà chưa triển khai, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng-an ninh quan trọng.

Thủ tướng yêu cầu dừng cấp phép các công trình thủy điện liên quan đến lấn chiếm đất rừng và rừng, buộc chủ dự án trồng rừng thay thế, kiên quyết thu hồi giấy phép nếu chủ dự án không trồng rừng thay thế và không chi trả phí môi trường rừng. Bên cạnh đó, phải tôn vinh các tập thể, cá nhân làm tốt công tác bảo vệ rừng. Đi liền đó là điều tra, truy tố, xét xử các tập thể, cá nhân buôn lậu gỗ hoặc có liên quan đến việc phá rừng.

Ngoài vấn đề về bảo vệ phát triển rừng, đối với vấn đề nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, Thủ tướng nêu rõ: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, nhất là tình trạng El Nino trong thời gian vừa qua, chúng ta phải suy nghĩ lại, từ điều tra cơ bản nguồn nước, lập các hồ chứa nước, những công trình phục vụ phát triển Tây Nguyên, nếu không chúng ta sẽ thất bại. Kể cả áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về tưới nhỏ giọt, tưới phun ở những vùng sản xuất tập trung. Lâm Đồng và một số vùng bước đầu đã làm được điều này”.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Cần có cơ chế chính sách để phát triển Tây Nguyên, cần tổng kết, đề xuất giải pháp phù hợp để Tây Nguyên phát triển. Một vấn đề lớn khác là nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, và Tây Nguyên hội nhập rõ nét vì có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Vấn đề là thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư để người dân Tây Nguyên giàu lên. Do đó, cần có giải pháp chỉ đạo tốt hơn, và tinh thần là phải tự giàu lên từ chính mảnh đất của mình”.

Hà Sự (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm