Phóng sự - Ký sự

Những người gieo mầm thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới sáng sớm, căn nhà số 57 Trần Nhật Duật (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã vang lên tiếng cười nói, hát hò xen lẫn tiếng la khóc inh tai. Những thanh âm đó đã trở nên quá quen thuộc đối với bà Phạm Thị Hồng (61 tuổi) suốt 33 năm qua, khi quyết định dành cả cuộc đời mình cho những đứa trẻ không may.
Bà Phạm Thị Hồng dạy cho trẻ từng con chữ. Ảnh: P.L
Bà Phạm Thị Hồng dạy cho trẻ từng con chữ. Ảnh: P.L
NHỮNG MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH
Bà Hồng đón chúng tôi với nụ cười thật hiền, vây quanh là những đứa trẻ. Nắm tay chúng, bà cùng chúng tôi đi tham quan một vòng. Căn nhà cấp IV gồm 2 dãy phòng học, phòng chức năng, 1 khu bếp và nhà vệ sinh, trên gác là nơi các em ngủ nghỉ, giữa nhà chừa khoảng sân rộng làm nơi vui chơi, tập thể dục. “Đây là phòng Họa Mi dành cho các em câm điếc, kia là phòng Vành Khuyên của các em đã biết đọc, biết viết. Phòng Chim Non dành cho những cháu bị thiểu năng, hội chứng down; còn phòng Sơn Ca là chỗ của các em bị tự kỷ”-bà Hồng giới thiệu. Nói rồi, bà đưa chúng tôi vào căn phòng vận động tâm lý ở cuối dãy, nơi có cậu bé tên Bảo đang nằm. Bảo đã 6 tuổi nhưng thân hình chỉ bằng đứa trẻ lên 2. Đôi chân của em bị rút cơ, co quắp do căn bệnh bại não, não úng thủy. Khẽ khàng thay bỉm cho Bảo, bà Hồng nói: “Mẹ Bảo sau khi sinh thì bỏ con mà đi. Em được bà nội đưa về nuôi nhưng không may bà bị sét đánh chết. Tôi đến nhận Bảo về nuôi cho tới bây giờ. Hôm trước, Bảo còn bị rụng hết tóc. Hôm nay mọc lại đẹp rồi đấy”. Từ bên ngoài, cô gái trẻ Kim Ngọc chạy đến ngồi xuống bên bà Hồng rồi nhẹ nhàng bế Bảo ra ngoài chơi. “Ngọc năm nay 24 tuổi rồi đấy, bị hội chứng down. Năm 4 tuổi thì bố mẹ mất, Ngọc ở với tôi đến tận bây giờ. Còn cậu bé có đôi mắt một mí kia là Phong. Bố giết mẹ phải tù tội. Phong lên chùa ở. Năm cháu 6 tuổi thì tôi đón về đây. Bây giờ Phong 14 tuổi rồi, chậm phát triển nhưng ham học lắm”-bà Hồng khẽ nói. Trong lúc bà Hồng trò chuyện cùng chúng tôi thì cậu bé Hoàng Minh liên tục chạy ra chạy vào giận dỗi, la hét, khóc lóc. Bà Hồng giải thích Minh đang ghen tị, không muốn bà nói chuyện với người khác. Lúc 3 tuổi, mẹ bỏ Minh đi nên em bị khủng hoảng tinh thần, rất sợ những người gắn bó với mình rời đi lần nữa.
Những cậu bé say sưa bên trang vở. Ảnh: P.Linh
Những cậu bé say sưa bên trang vở. Ảnh: P.Linh
45 đứa trẻ đang theo học tại lớp của bà Hồng thì có 15 em bị hội chứng down, 10 em bị tự kỷ, 15 em câm điếc, còn lại chậm phát triển trí tuệ. Trong số này có 15 em mồ côi được bà Hồng nhận nuôi từ khi còn nhỏ. Lướt nhìn đã có thể biết các em đều mang trong mình một hội chứng hoặc khiếm khuyết đặc biệt. Đó là những khuôn mặt hao hao giống nhau do cùng bị đột biến nhiễm sắc thể số 21. Là vẻ mặt vô hồn, lầm lì, biểu hiện của sự chậm phát triển trí tuệ. Vẫn có những ánh mắt lanh lợi nhưng các em này lại bị câm điếc bẩm sinh. Rất khó để đoán tuổi từng em, bởi có em vẫn là đứa trẻ con trong hình hài người lớn, em khác đã tuổi thanh niên nhưng thân hình như trẻ lên mười. Bà Hồng tâm sự: “Mỗi đứa trẻ đến đây đều không may ngay từ khi mới lọt lòng. Có những em còn cha còn mẹ, đều đặn ngày ngày chở đến lớp học, tối lại đón về. Một số em ở xa thì mỗi tuần về nhà một lần. Nhưng có những em hoàn cảnh rất đáng thương, không có cả người thân bên cạnh. Chúng ở với tôi và coi tôi như mẹ”.
GIEO MẦM HY VỌNG
Năm 26 tuổi, bà Hồng là một thiếu nữ ngời ngời sắc xuân. Những bức ảnh cũ bà còn lưu giữ đã chứng minh điều đó. Bước ngoặt dẫn đến quyết định “ở vậy” của bà Hồng và gắn bó với những mảnh đời bất hạnh là trong một lần xem các em khiếm thị biểu diễn văn nghệ. Năm 1987, bà từ Quảng Nam vào TP. Hồ Chí Minh, mặc cha mẹ phản đối, để theo đuổi mong ước của mình. Từ năm 1990 đến 1995, bà theo học chuyên ngành giáo dục trẻ em đặc biệt do một tổ chức nước ngoài đào tạo. Sau đó, bà tiếp tục đăng ký học các khóa sư phạm tại TP. Hồ Chí Minh để hoàn thiện kiến thức cũng như kỹ năng rồi tham gia nuôi dạy trẻ ở các trung tâm, trường khuyết tật. Năm 1999, bà vô tình đọc báo và biết rằng ở Tây Nguyên chưa có trường dành riêng cho trẻ khuyết tật. Bỏ xứ phồn hoa, bà chọn Gia Lai làm điểm dừng chân. Những đứa trẻ bị khiếm khuyết về thể chất, trí tuệ được bà nhận dạy dỗ, coi sóc trong một gian phòng tại Nhà thờ Đức An (TP. Pleiku). Sau này, khi số lượng trẻ gửi đến cơ sở ngày một tăng, bà thuê ngôi nhà tại số 57 Trần Nhật Duật và gắn bó cho đến giờ.
Mỗi em một tính cách, một bệnh trạng khác nhau nên “chỉ có thể dùng thật nhiều tình thương và sự kiên nhẫn để chỉ dạy”-bà Hồng chia sẻ. Theo bà, quát mắng hay đánh đập không bao giờ mang lại hiệu quả. Quan trọng nhất là trang bị cho các em kỹ năng tự chăm sóc bản thân và kỹ năng giao tiếp. Để làm được điều đó, bà cùng 3 cô giáo phụ giúp ở đây rất vất vả nhưng chưa bao giờ hết niềm tin vào sự đổi thay và tiến bộ của các em. Bà kể, chỉ riêng việc dạy cho các em bị tự kỷ biết ngồi bô khi đi vệ sinh mà bà phải mất cả năm trời. Mỗi giờ các em đi vệ sinh, bà phải ngồi cạnh bên, nắm tay, ca hát, kể chuyện cả tiếng đồng hồ, đều đặn ngày này qua ngày khác mới thành công. Việc luyện chữ cũng gian nan không kém. Đôi khi phải mất vài tháng các em mới có thể viết tròn trịa, ngay hàng thẳng lối.
Dạy dỗ một đứa trẻ bình thường đã khó, với những đứa trẻ đặc biệt này lại càng vất vả bội phần. Thế nhưng hơn 30 năm gắn bó, bà Hồng chưa một lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Bà xúc động nói: “Có lẽ do tôi đã gạt bỏ được những vướng bận thường ngày để dành hết tình thương cho lũ nhỏ nên không chút chán nản, buồn phiền. Có nhiều cô giáo muốn đến giúp đỡ, nhưng chỉ một thời gian rồi từ bỏ vì không đủ kiên nhẫn. Duy chỉ có 1 người là bám trụ đến tận bây giờ”. Đó là bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (56 tuổi, đường Quyết Tiến, TP. Pleiku). Bà Lan đã dành 20 năm cuộc đời để cùng bà Hồng chăm sóc những đứa trẻ ở lớp học đặc biệt này. Ít nói, hiền lành, chăm chỉ, bà Lan nhận hết những phần việc khó về mình như dọn dẹp, tắm rửa, vệ sinh cho các cháu. “Làm lâu rồi thành quen. Thấy các cháu bị bệnh như thế, thương không dứt ra được”-bà Lan bày tỏ.
Trẻ em theo học tại cơ sở của bà Hồng đều có sự tiến bộ nhất định. Ảnh: P.L
Trẻ em theo học tại cơ sở của bà Hồng đều có sự tiến bộ nhất định. Ảnh: P.Linh
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với bà Hồng xen lẫn trong âm thanh cười nói, la hét, đập phá, khóc lóc của đám trẻ. Vậy mà, mỗi khi bà Hồng bước ra yêu cầu tập trung thành từng hàng, tất cả đều im phăng phắc và răm rắp nghe theo. “Hầu hết các em ở đây đều tiến bộ theo thời gian. Nhiều em biết đọc, biết hát, biết viết và chữ khá đẹp. Các em còn biết tự chăm sóc cho bản thân và cho người khác, biết cách giao tiếp với bố mẹ, với người lạ tốt hơn. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ khiến tôi cảm thấy vui và hạnh phúc, thấy công việc mình đang theo đuổi không hề vô ích”-bà Hồng nói với ánh mắt lấp lánh niềm vui.  
Tâm sự với chúng tôi, chị Trần Thị Xưa (thôn Tu 2, xã Ia Ga, huyện Chư Prông) chia sẻ: “Từ ngày đưa con đến gửi chỗ cô Hồng, cháu ngoan hơn nhiều. Cháu đã biết tập thể dục, biết vẽ, biết đọc chữ, viết chữ, nói nhiều hơn và tăng ký nữa”. Chị Xưa là mẹ của em Đỗ Trần Thanh Bình (11 tuổi), bị hội chứng down. Còn cô bé Phương Thảo-16 tuổi, chậm phát triển trí tuệ, sống cùng bà Hồng 8 năm qua-giờ đã có thể phụ giúp nhặt rau, nấu canh, tắm rửa, chăm sóc các em nhỏ hơn. Hỏi Thảo ở đây có vui không, các cô có thương Thảo nhiều không, cô bé gật đầu thật nhanh thay cho câu trả lời.
Lúc chia tay, các em nhỏ còn níu tay chúng tôi theo ra tận cổng. Suốt chặng đường về, lòng chúng tôi bất chợt chùng lại. Rồi lại yên tâm khi có bà Hồng ở đó, sẵn sàng với sứ mệnh của một “bà tiên” ngày ngày đem lại điều kỳ diệu, che chở những phận đời nhỏ bé đã quá nhiều bất hạnh ấy.
Bà Trịnh Thị Hợp-cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phường Ia Kring: “Lớp nuôi dạy trẻ khiếm khuyết của bà Phạm Thị Hồng đã hoạt động trên địa bàn từ nhiều năm nay. Chúng tôi cũng thường xuyên đến kiểm tra cơ sở vật chất cũng như chất lượng nuôi dạy trẻ, từ trước tới nay chưa ghi nhận điều tiếng gì về cơ sở này. Có nhiều nhà hảo tâm đến giúp đỡ, động viên cô trò tại đây”.
PHƯƠNG LINH-THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm