Sắp đến ngày sinh nhật Bác, nhìn những hiện vật đó, tôi lại nhớ về lần đi công tác Kbang tìm những nhân chứng lịch sử đã tham gia khai thác gỗ xây dựng Lăng Bác năm xưa.
Ông Đinh Hmunh và chiếc rìu từng khai thác gỗ xây Lăng Bác năm xưa. Ảnh: N.A.M |
Từ quốc lộ 19, xe rẽ vào đường Đông Trường Sơn để đi xã Sơn Lang, huyện Kbang. Vượt qua quãng đường dài 30 km uốn lượn dưới những tán rừng xanh mát, thỉnh thoảng chúng tôi còn bắt gặp một vài con thú nhỏ chạy vụt qua đường lẩn nhanh vào bụi rậm. Rừng Kbang trước đây là rừng nguyên sinh, có rất nhiều loài gỗ quý, trong đó có gỗ trắc-loại gỗ được chọn để xây dựng Lăng Bác Hồ ở thủ đô Hà Nội.
Từ trung tâm xã Sơn Lang, được cán bộ văn hóa xã nhiệt tình dẫn đi, vượt qua một quãng đường khá dài, chúng tôi đã tới làng Đăk Asêl. Đây là ngôi làng còn nhiều chứng nhân lịch sử của một thời hừng hực khí thế ngày đêm khai thác gỗ quý để kịp vận chuyển ra miền Bắc, góp phần xây dựng nơi Bác an nghỉ ngàn thu. Nói là còn nhiều nhân chứng, nhưng thực tế chúng tôi chỉ gặp được 3 người: Ông Đinh Lực, ông Đinh Hmunh và ông Đinh Văn Đoàn, đều là người Bahnar và ở vào tuổi “xưa nay hiếm”. Những người khác đều đã về với thế giới atâu.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Đinh Lực. Nhà ông Đinh Lực xây khang trang ngay trên trục đường Đông Trường Sơn, nhưng ông tiếp chúng tôi ở ngôi nhà sàn truyền thống nép mình phía sau vườn. Ông Đinh Lực kể: Năm 1974, khi Nhà nước kêu gọi mỗi địa phương đóng đặc sản để xây dựng Lăng Bác, đồng bào xã Sơn Lang đã đồng lòng vào rừng sâu tìm cây gỗ quý gửi ra Hà Nội. Bà con mang cơm nắm, củ mì, muối trắng ở trong rừng sâu, tìm những cây gỗ trắc to, cao thẳng, ngày đêm đốt đuốc chặt, đẽo để kịp vận chuyển ra Hà Nội. Ông Đinh Lực đã dẫn chúng tôi men theo một con suối cạn sau nhà để chỉ gốc trắc năm xưa các ông đã từng đốn hạ. Gốc trắc đã bị bọn lâm tặc đào đi, chỉ còn những mầm xanh mới mọc ra từ những chiếc rễ còn sót lại. Tiếc rằng ông không giữ được hiện vật gì liên quan đến sự kiện trên.
Sau đó, ông Đinh Lực dẫn chúng tôi đến nhà ông Đinh Hmunh. Có người làng dẫn khách tới nên chỉ sau vài câu giới thiệu ông Hmunh đã cởi mở trò chuyện. Ông khiêm tốn nói: Ngày đó không chỉ riêng ông mà cả làng ai cũng hăng hái góp sức mình vào việc khai thác gỗ xây dựng Lăng Bác. Người già có kinh nghiệm thì vào rừng tìm cây gỗ đẹp rồi đánh dấu lại, phụ nữ phụ trách việc nấu ăn, thanh niên khỏe mạnh thì chặt, kéo gỗ...
Nói đoạn, ông đi vào trong lấy một chiếc rìu cũ đưa chúng tôi xem. Thì ra đây chính là chiếc rìu ông đã dùng đốn hạ và đẽo gọt những cây gỗ trắc năm 1974, để xây dựng Lăng Bác. Ông thanh minh với chúng tôi, trước đây không có nhiều sắt thép như bây giờ, nên người ta thường làm những chiếc rìu nhỏ. Hơn nữa, gỗ trắc rất cứng, chiếc rìu này phải mài thường xuyên mới chặt được nên so với lúc đầu đã mòn vẹt đi nhiều. Cán rìu cũng đã được thay nhiều lần vì bị gãy. Chúng tôi đã xin phép ông Đinh Hmunh mang chiếc rìu lịch sử này về trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh để giới thiệu với công chúng.
Ông Đinh Văn Đoàn (bìa phải) trao tặng mẫu gỗ trắc cho cán bộ sưu tầm của Bảo tàng tỉnh. Ảnh: N.A.M |
Chúng tôi lại tiếp tục đến nhà ông Đinh Văn Đoàn. Biết cán bộ bảo tàng đến sưu tầm hiện vật liên quan đến công cuộc khai thác gỗ xây Lăng Bác ông nhiệt tình tiếp đón. Lấy ra một ghè rượu cần đã được ủ kỹ, ông làm lễ cúng tạ các thần linh rồi mời mỗi người uống một cang. Sau đó, ông chậm rãi kể: Thời điểm khai thác gỗ xây Lăng Bác, ông đang là Bí thư Đoàn xã Hà Nừng. Nắm được chủ trương của Tỉnh ủy, ông đã vận động thanh niên trong xã hăng hái tham gia khai thác gỗ và vận chuyển về nơi tập kết để bộ đội đưa lên ô tô vượt Trường Sơn ra miền Bắc. Ông khoe với chúng tôi ông được tặng bằng khen của Ban phụ trách Xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Đỗ Mười-Trưởng ban ký. Hiện nay, bằng khen của ông đang trưng bày tại phòng truyền thống của huyện Kbang. Đến phòng truyền thống của huyện Kbang, ngoài tấm bằng khen của ông Đinh Văn Đoàn,chúng tôi thấy có rất nhiều bằng khen của Ban phụ trách Xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho Nhân dân nơi đây.
Như sực nhớ ra điều gì, ông Đinh Văn Đoàn vào trong nhà lấy ra một mẩu gỗ trắc cũ kỹ tặng cho bảo tàng. Ông nói rằng đây chính là mẩu gỗ trắc được chặt ra từ thân cây trắc lớn, dùng làm con kê để lăn gỗ tới nơi tập kết. Ông đã cất mẩu gỗ này từ năm 1974 để làm kỷ niệm, nay tặng cho bảo tàng để trưng bày.
Mẩu gỗ của ông Đinh Văn Đoàn và chiếc rìu của ông Đinh Hmunh được trưng bày trang trọng trong tủ kính tại Bảo tàng Hồ Chí Minh để minh chứng những đóng góp của Nhân dân Kbang nói riêng và Nhân dân Gia Lai nói chung trong việc xây dựng Lăng Bác. Nhân dân Gia Lai có dịp ra thăm Lăng Bác, nhìn những trụ gỗ trắc ở lăng cảm thấy tự hào bởi thế hệ cha anh mình đã góp phần công sức xây dựng nơi Bác Hồ kính yêu an giấc ngàn thu.