Kinh tế

Doanh nghiệp

Khởi nghiệp-Một góc nhìn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khởi nghiệp đang trở thành một trào lưu trong xã hội, nhất là đối với giới trẻ. Nghị quyết 35 ngày 16-5-2016 của Chính phủ đã xác định tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo phát triển.

Thế nào là khởi nghiệp?


Khởi nghiệp là bắt đầu một công việc, một nghề nghiệp, nói rộng ra là khởi đầu cho sự nghiệp kinh doanh. Có quan niệm cho rằng chỉ cần có gánh hàng rong, một tủ sửa đồng hồ cũng là khởi nghiệp. Thật ra, như thế chỉ là chuyện kiếm sống hàng ngày, còn đã khởi nghiệp thì phải xuất phát từ ý tưởng kinh doanh và có lộ trình phát triển với mục tiêu làm giàu và đóng góp cho xã hội. Quá trình chuyển ý tưởng kinh doanh thành hiện thực có thể thành công, có thể thất bại bởi phải điều chỉnh liên tục để bám kịp thị trường, rủi ro luôn treo lơ lửng trên đầu doanh nghiệp khởi nghiệp.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Kể cả các nước phát triển, 10 doanh nghiệp khởi nghiệp lần đầu thì thất bại đến 9. Vì vậy, khởi nghiệp để xây dựng sự nghiệp kinh doanh là con đường rất gian nan, không phải dành cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, với sự hấp dẫn của lợi ích kinh doanh mang lại cho bản thân, gia đình và xã hội, đáng để cho chúng ta nhất là giới trẻ theo đuổi và chấp nhận rủi ro.

Khởi nghiệp như thế nào?

Ở nước ta hiện nay, lợi thế cạnh tranh về tài nguyên, lao động ngày càng giảm, năng suất lao động tăng thấp. Vì vậy, sáng tạo đột phá về công nghệ sẽ là yếu tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, lĩnh vực công nghệ thông tin với những tiện ích to lớn mang lại, là giải pháp bắt buộc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hướng tới nếu muốn doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn và cơ hội phát triển rộng mở hơn. Vì sao khởi nghiệp luôn tập trung vào giới trẻ? Bởi vì giới trẻ, nhất là sinh viên tốt nghiệp đại học ngoài lợi thế về sức khỏe, nhanh nhạy, có tri thức còn có 2 lợi thế quan trọng: có nhiều thời gian để làm lại nếu khởi nghiệp chưa thành công và rất yêu thích công nghệ thông tin, từ đó sẽ dẫn dắt, gợi mở thâm nhập vào các lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ sản xuất khác.

Ở Gia Lai, tình hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế nên chưa nâng cao được giá trị sản phẩm và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nhưng việc ứng dụng công nghệ cao không phải thực hiện được ngay mà cần có lộ trình để phát triển tùy vào điều kiện và hiệu quả kinh doanh của từng doanh nghiệp. Vì vậy, từ nay đến năm 2020, hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp nên theo hướng động viên mọi giới, mọi tầng lớp tham gia theo tín hiệu, diễn biến của thị trường. Tuy vậy, cần tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp đầy tiềm năng phát triển của tỉnh và chú trọng 2 đối tượng:

Thứ nhất, khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ cho nông dân khởi nghiệp. Bởi vì  hộ nông dân có các điều kiện cần thiết như tư liệu sản xuất, quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn ngân hàng, có quan hệ với đối tác thương mại trong việc tiêu thụ sản phẩm, có sự liên kết nhất định với các hộ nông dân khác. Phương pháp tốt nhất hiện nay là định hướng cho hộ nông dân tham gia xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp để được trở thành một trong những người chủ của một đơn vị kinh tế có pháp nhân. Đó chính là điểm xuất phát để họ học tập tìm hiểu, trải nghiệm môi trường kinh doanh gắn sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trước đây, việc vận động xây dựng các hợp tác xã chưa thành công, nguyên nhân chủ yếu là do các hộ nông dân chưa tin tưởng vào lợi ích do mô hình này mang lại. Đây là bài toán hóc búa mà lời giải chỉ có thể  đến từ các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp có nhà máy chế biến cao su, cà phê, tinh bột mì, mía đường, hồ tiêu, điều… Qua quá trình đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, chuyển giao kỹ thuật-công nghệ và tiêu thụ sản phẩm của các hộ nông dân, các doanh nghiệp cần chứng minh được vai trò đầu mối của hợp tác xã trong việc giúp các hộ nông dân tiếp nhận, triển khai các công đoạn nói trên một cách hiệu quả hơn nhiều so với thực hiện với từng hộ riêng lẻ hoặc một nhóm hộ. Khi đã thấy được lợi ích của hợp tác xã mang lại, các hộ nông dân sẽ hào hứng tham gia xây dựng hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước tiến tới làm giàu. Các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp cần tham gia xây dựng các hợp tác xã vì lợi ích chung của cộng đồng dân cư trong đó có lợi ích của từng doanh nghiệp.

Thứ hai, cần chú ý các cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp đang hoạt động, vì đối tượng này đã được trải nghiệm trong sản xuất kinh doanh. Nếu người nào có ý tưởng kinh doanh sáng tạo, các doanh nghiệp cần đầu tư vốn và giao cho người đó triển khai thực hiện dự án để mở thêm ngành nghề kinh doanh mới cho doanh nghiệp, mở thêm doanh nghiệp vệ tinh… Điểm chú ý là đối với sinh viên mới tốt nghiệp và giới trẻ dù có điều kiện tài chính cũng không nên khởi nghiệp ngay mà nên làm việc cho các doanh nghiệp theo ngành nghề mà mình yêu thích một thời gian để hòa nhập vào môi trường kinh doanh sau đó mới tiến hành khởi nghiệp, cơ hội thành công sẽ cao hơn.

Trần Tuấn

Có thể bạn quan tâm