Kinh tế

Doanh nghiệp

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hàng loạt hoạt động hỗ trợ được tỉnh Gia Lai triển khai thời gian qua đã tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Đi kèm với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cũng như hoạt động trở lại ngày càng nhiều.

Những con số lạc quan

Từ năm 2022 đến nay, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động liên tục tăng. Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2022, toàn tỉnh có 960 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (đạt 101,1% kế hoạch) với tổng vốn hơn 11.000 tỷ đồng; 285 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 55,4% so với năm 2021.

Trong năm 2023, toàn tỉnh có 970 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 5,6% so với năm 2022 (khu vực Tây Nguyên chỉ tăng 4,5% và cả nước tăng 2,4%), tổng vốn đăng ký là 9.850 tỷ đồng, tăng 8,5% (khu vực Tây Nguyên tăng 3,5% và cả nước giảm 18,6%). Vốn đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp đạt 10,4 tỷ đồng.

Đồng thời, toàn tỉnh có 302 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 10,5% so với năm 2022 (cả nước tăng 1,2%).

Sản xuất cà phê Organic ở trang trại cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh: H.D

Sản xuất cà phê Organic ở trang trại cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh: H.D

Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có 240 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2023) với tổng vốn đăng ký 2.470 tỷ đồng (tăng 7,1%) và có 97 doanh nghiệp quay lại hoạt động. Ở chiều ngược lại, toàn tỉnh có 94 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giảm 41,3% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện toàn tỉnh có 9.599 doanh nghiệp đăng ký hoạt động.

Những con số trên cho thấy, niềm tin của doanh nghiệp đã tăng đáng kể. Đồng thời, điều này cũng phần nào phản ánh hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương như: giảm mặt bằng lãi suất cho vay; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất; hỗ trợ tìm kiếm, kết nối mở rộng thị trường...

Ông Võ Hữu Tài-Giám đốc Công ty TNHH Tài Phát (tổ 5, phường Trà Bá, TP. Pleiku) chia sẻ: “Mặc dù Công ty mới thành lập năm 2022 với quy mô cũng nhỏ nhưng tôi tin tưởng vào sự phát triển trong tương lai, nhất là khi tỉnh đang chú trọng phát triển nông nghiệp.

Tỉnh cũng đang triển khai rất nhiều hoạt động, giải pháp để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Điều này rất phù hợp với mảng hoạt động của chúng tôi là kinh doanh nông sản”.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Đại diện cho nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho biết: Việc giảm thuế giá trị gia tăng 2%, miễn phí bảo vệ môi trường, liên tục giảm lãi suất cho vay từ các ngân hàng trong thời gian qua... là những cố gắng mà Nhà nước nhằm chia sẻ một phần khó khăn đối với doanh nghiệp.

“Tuy khó khăn chồng chất khó khăn, song điều không thể phủ nhận là tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đối với các doanh nghiệp. Minh chứng là hàng loạt hội nghị, hội thảo mang tính kết nối thị trường, định hướng sản xuất, phát triển sản phẩm đã được triển khai”-ông Tuấn nhận định.

Doanh nghiệp chở hàng hóa đang làm thủ tục xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy

Doanh nghiệp chở hàng hóa đang làm thủ tục xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy

Một trong những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân hiện nay là khả năng ứng dụng công nghệ còn hạn chế. Điều này thể hiện ở việc nhiều doanh nghiệp còn chậm đổi mới, không có nhận thức rõ ràng về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh. Đáng mừng là Gia Lai đã quan tâm đúng mức về vấn đề này và đã có những kế hoạch cả ngắn hạn lẫn dài hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-cho hay: “Ngay đầu năm, Sở đã thông báo triển khai nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo năm 2024. Các lĩnh vực được xem xét hỗ trợ gồm: hỗ trợ công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo”.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết thêm: Các nội dung hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm: hợp đồng tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp; hợp đồng tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp; hợp đồng tư vấn chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp.

Còn các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo gồm: hỗ trợ tư vấn áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế; chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

Mỗi doanh nghiệp tùy vào điều kiện có thể đề xuất 1 hoặc nhiều nội dung hỗ trợ. Thời gian gửi đề xuất hỗ trợ trải dài trong năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ căn cứ theo số lượng hồ sơ đề xuất nhận được để xem xét, giải quyết theo từng quý.

Gia Lai đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5-1-2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND nêu rõ một số mục tiêu gồm: cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động.

Cùng với đó, tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phấn đấu năm 2025 đạt top 20 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số xanh (PGI) tăng điểm, tăng bậc so với năm trước.

Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện các yếu tố môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp; phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí về cải cách thủ tục hành chính, quy định kinh doanh năm 2024 bao gồm: cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.

Các sở, ban, ngành và địa phương tùy theo nhiệm vụ của mình để triển khai các hoạt động như: tổ chức các khóa đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường năng lực quản trị kinh doanh; nghiên cứu, xây dựng đề xuất cơ chế thí điểm sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước để tài trợ, cho vay, đầu tư, góp vốn đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động điểm kết nối cung-cầu công nghệ của tỉnh, kết nối với điểm cung-cầu công nghệ quốc gia.

Có thể bạn quan tâm