Kinh tế

Tài chính

Nâng cao chất lượng dịch vụ-tín dụng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 87,6% dư nợ là cho vay nông nghiệp-nông thôn, tỷ trọng dư nợ hộ sản xuất chiếm đến 83,7% tổng dư nợ, tỷ trọng dư nợ nhóm khách hàng doanh nghiệp nhà nước, dân doanh đang có xu hướng giảm dần. Điều này cho thấy quyết tâm của Agribank Gia Lai khi tiếp tục dịch chuyển đầu tư vốn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và khai thác tiềm năng khá lớn của thị trường bán lẻ...
 
Là một ngân hàng giữ thị phần hàng đầu trên địa bàn hiện nay, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai (Agribank Gia Lai) đóng vai trò “bà đỡ” cực kỳ quan trọng ở lĩnh vực kinh tế nông nghiệp-nông thôn. Dòng chảy tín dụng của Agribank được luân chuyển từ thành thị đến nông thôn, góp phần cùng nông dân, doanh nghiệp tạo thành chuỗi liên kết sản xuất cây công nghiệp có giá trị thương phẩm, cũng như đầu tư cho các dự án, lĩnh vực kinh tế-xã hội của tỉnh.

 

Khách hàng giao dịch tại Agribank Gia Lai.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Gia Lai.

Tính đến hết quý II-2016, tổng giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản toàn tỉnh ước thực hiện 7.089 tỷ đồng, đạt 28,5% kế hoạch, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo nhận định của tỉnh, hoạt động sản xuất nông nghiệp đã gặp nhiều khó khăn do tình trạng hạn hán diễn ra trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề cho diện tích cây trồng vụ Đông Xuân, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng các loại cây công nghiệp dài ngày. Trong bối cảnh đó, hoạt động của Agribank Gia Lai ít nhiều cũng bị tác động, phần lớn là do đặc tính thời vụ nông nghiệp khu vực Tây Nguyên. Tuy vậy, hết quý II-2016, mảng huy động vốn của Agribank Gia Lai đã đạt 8.282 tỷ đồng, tăng 1.102 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2015, đạt 102% kế hoạch, thị phần huy động vốn chiếm gần 29%. Tổng dư nợ trên địa bàn của Agribank xấp xỉ 12.000 tỷ đồng, tăng 231 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2015, đạt 16% kế hoạch tăng trưởng tín dụng; thị phần dư nợ chiếm gần 20%, đứng hàng đầu trong số các ngân hàng thương mại hiện nay. So với hệ thống khu vực Tây Nguyên, Agribank Gia Lai đang có mức tăng trưởng khá ổn định xét về chỉ tiêu huy động và tín dụng, đặc biệt chất lượng tín dụng được chú trọng kiểm soát hàng đầu.   

Thông qua hoạt động kinh doanh, Agribank đã tiếp tục bố trí hợp lý nguồn vốn đầu tư phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, ưu tiên đầu tư cho thị trường nông nghiệp-nông thôn khi tỷ trọng dư nợ của thị trường này chiếm tới 87,6% tổng dư nợ, tăng 1,4% so với cuối năm 2015. Dư nợ hộ sản xuất đạt 9.977 tỷ đồng, chiếm 83,7% tổng dư nợ. Trong bối cảnh cạnh tranh thị phần gay gắt giữa các ngân hàng thương mại như hiện nay, với lợi thế mạng lưới hoạt động ngay tại địa bàn nông thôn, Agribank tổ chức tốt kế hoạch tiếp thị và chăm sóc khách hàng, ưu đãi phí-lãi suất phù hợp đồng thời đưa ra các gói dịch vụ, tín dụng đáp ứng nhu cầu đầu tư của đối tượng hộ sản xuất, cá thể-nhất là tập trung vào thời điểm đầu tư cho mùa vụ hàng năm.

Theo ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Gia Lai, hiện nay Agribank đang tiếp tục chủ động mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng, dự án khả thi để đẩy mạnh cho vay trên mọi đối tượng đầu tư vốn. Đặc biệt, đẩy mạnh cho vay trung, dài hạn, cho vay qua tổ liên kết đối với hộ vay đến 70 triệu đồng, cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ vay đến 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, Agribank tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu đãi lãi suất cho vay mới. Đồng thời, phát triển mạnh các lĩnh vực như bảo hiểm bảo an tín dụng, mobile banking, thu hộ tiền điện...

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm