Thời sự - Bình luận

'Đánh đổi' lợi ích

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chính sách giảm thuế GTGT 2% là một bài toán “đánh đổi” giữa “mất” và “được”. Nhưng trong bài toán này, cái được lớn hơn cái mất.

Chính phủ vừa trình Quốc hội xem xét cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm.

Theo Bộ Tài chính, nếu chính sách được thông qua, dự kiến thu ngân sách cả năm 2024 sẽ giảm hơn 47.000 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ, nếu nhìn ở khía cạnh thuần túy thu ngân sách. Nhưng, đặt trong bối cảnh chung của nền kinh tế hiện nay, việc tiếp tục giảm thuế GTGT là chính sách cần thiết để trợ lực cho doanh nghiệp và rộng hơn là giữ ổn định vĩ mô, kích thích tăng trưởng.

Theo Bộ KH-ĐT, trong quý 1-2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là gần 74.000 doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số rất đáng lo ngại, bởi doanh nghiệp chính là nguồn thu lâu dài của ngân sách nhà nước, là động lực của tăng trưởng kinh tế. Gắn liền với sức khỏe của mỗi doanh nghiệp là đời sống của những người lao động và gia đình. Nhưng hiện tại, cả nguồn thu lẫn động lực đều đang bị bào mòn trước những yếu tố bất lợi của tình hình kinh tế cả bên trong lẫn bên ngoài.

Các dự báo đều có chung nhận định, tình hình thế giới và khu vực còn nhiều bất ổn, diễn biến nhanh, phức tạp, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu nên tiếp tục ảnh hưởng xấu đến khả năng xuất khẩu của Việt Nam. Ở trong nước, nền kinh tế lẫn doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối diện nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu này. Giải pháp hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí là nhanh chóng, kịp thời nhất và cũng đưa lại hiệu quả nhanh hơn các giải pháp khác (giải pháp chính sách tiền tệ thường có độ trễ khoảng 6 tháng).

Thực tế, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% đã cho thấy rõ tác động tích cực và đa chiều của chính sách này đối với doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Đây là chính sách không chỉ đơn thuần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp về tài chính mà còn thể hiện sự đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ và “khoan thư sức dân” của Chính phủ.

Bản chất thuế GTGT là thuế gián thu, cấu thành trong giá bán của hàng hóa, dịch vụ. Do đó, khi giảm thuế 2% thì về mặt lý thuyết, giá sẽ giảm tương ứng 2%, nghĩa là người tiêu dùng được hưởng lợi, mua được với hàng hóa, dịch vụ với giá rẻ hơn. Như vậy, tác động đầu tiên của chính sách giảm thuế sẽ giúp cho người dân bớt được gánh nặng và khó khăn, mua được nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn với cùng một lượng tiền, có nghĩa là cầu hàng hóa, dịch vụ tăng.

Ở chiều ngược lại, khi người dân mua được nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn sẽ giúp cho doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn, từ đó giải phóng được hàng tồn kho, cải thiện vòng quay vốn và tăng tính thanh khoản cũng như gia tăng sản lượng sản xuất, giải quyết được vấn đề việc làm và an sinh xã hội. Quá trình này giúp cung tăng lên làm cho nền kinh tế được lưu thông, sớm được phục hồi và tăng trưởng.

Chính sách giảm thuế GTGT 2% là một bài toán “đánh đổi” giữa “mất” và “được”. Nhưng trong bài toán này, cái được lớn hơn cái mất. Bởi, ngoài việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, việc giảm thuế sẽ giúp nền kinh tế được phục hồi và tăng trưởng, đồng nghĩa với đời sống của người dân được cải thiện, doanh nghiệp được phát triển. Khi đó quy mô của nền kinh tế được tăng lên, nguồn thu ngân sách nhà nước cũng sẽ tăng theo với sự ổn định và bền vững hơn.

Có thể bạn quan tâm