Kinh tế

Giá cả thị trường

Liên kết vùng để phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ 2 được tổ chức tại Đà Nẵng vào hạ tuần tháng 9 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã khẳng định: Việc tăng cường liên kết vùng có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Cũng tại đây, nhiều đại biểu đã nêu thực trạng các tỉnh Duyên hải miền Trung đều có nền kinh tế giống nhau là dựa vào biển song những năm qua đã có tình trạng “mạnh ai nấy làm”, chưa có mối liên kết để phát huy thế mạnh tập trung.

Chẳng hạn như tỉnh nào cũng có cảng nước sâu nhưng lượng tàu vào cảng không đạt. Đề cập định hướng phát triển trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Tập trung phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, phát huy tiềm năng lợi thế của từng địa phương trong vùng và giữa các vùng, tạo sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, không thể phát triển kinh tế mà không gian kinh tế bị chia cắt như chúng ta”.

 

Đó là những định hướng có cơ sở bởi các tỉnh Duyên hải miền Trung đều nằm trên trục kết nối Bắc-Nam và cả Đông-Tây với hệ thống giao thông thông suốt bằng đường bộ, đường thủy, đường sắt và cả đường hàng không rất thuận lợi để phát triển kinh tế vùng. Duyên hải miền Trung là vậy, còn các tỉnh Tây Nguyên như thế nào?

Tây Nguyên có 2 triệu ha đất nông nghiệp (851.000 ha trồng cây hàng năm, 1.150.000 ha trồng cây lâu năm) và 3,2 triệu ha đất lâm nghiệp. Diện tích đất bazan Tây Nguyên chiếm đến 74,25% tổng diện tích đất bazan cả nước (2.060.606 ha), đây là loại đất phù hợp với các loại cây công nghiệp như: cà phê (sản lượng 1,3 triệu tấn/năm, chiếm 94% sản lượng cả nước), hồ tiêu (93.000 tấn, chiếm 56% sản lượng cả nước), cao su (trên 251.000 ha, chiếm 26% diện tích cao su cả nước)…

Tây Nguyên có đường biên giới chung với Campuchia và Lào, từ đây có thể thông suốt với Thái Lan, Myanmar và cả Malaysia, Singapore. Trục dọc có tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14C cùng các trục ngang như quốc lộ: 19, 20, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 40, 40B, 55, đồng thời tuyến hàng không có các sân bay Pleiku (Gia Lai), Buôn Ma Thuột (Đak Lak), Liên Khương (Lâm Đồng) bảo đảm giao thông thông suốt.

Như vậy có thể thấy Tây Nguyên có lợi thế cạnh tranh để phát triển nông nghiệp và du lịch nhưng “tính liên kết còn yếu, còn mơ hồ” như Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải nhận xét tại hội nghị gặp gỡ địa phương và ngoại giao đoàn khu vực Tây Nguyên tổ chức vào ngày 9-6-2016 tại TP. Buôn Ma Thuột. Tây Nguyên có các sản phẩm nông nghiệp giống nhau như cà phê, cao su, hồ tiêu… nhưng đến nay vẫn chưa tạo ra sản phẩm đặc thù. Nhiều vùng có quy hoạch phát triển nông nghiệp nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa quản lý được quy hoạch và để người dân sản xuất tự phát. Cà phê, chanh dây, dưa hấu, mì, mía… là những ví dụ cụ thể trong thời gian qua. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại còn manh mún và không có chiến lược lâu dài.

Những vấn đề đó đã và đang được các địa phương trong vùng nghiên cứu, tìm một tiếng nói chung trong liên kết, đặc biệt là 3 vấn đề lớn: nông nghiệp, du lịch và hạ tầng như 3 mũi nhọn liên kết cơ bản để phát huy nội lực toàn vùng, đưa Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới!

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm