Du lịch

"Xà bần"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có một món ăn không nằm trong ẩm thực du lịch, cũng không phải là món ăn thường ngày, nhưng lại là niềm thương nỗi nhớ của những người con miền Tây Nam bộ xa nhà. Đó là món… xà bần.
 

Món xà bần
Món xà bần

Xà bần, như ta biết, là vôi vữa, bê tông gạch vụn hổ lốn sau khi người ta dỡ nhà, đập tường cũ. Thì món ăn vừa kể trên cũng vậy.

Người miền Tây rộng rãi, nên nấu nướng đám tiệc cũng ê hề thoải mái để không phải lăn tăn chuyện thừa thiếu; vừa là nấu đãi khách, đãi người nhà và cả những người hàng xóm gần gũi qua phụ nấu nướng (khoản này người miền Tây sống rất hay, rất chan hòa: có những người vài bữa lại thấy qua nhà ngồi đung đưa trên võng tán dóc, mỗi khi có việc gì lại xắn tay áo làm nhiệt tình, cứ tưởng là bà con họ hàng nhưng thực ra chỉ là hàng xóm). Quay lại chuyện đám tiệc. Sau đám, những thức ăn còn thừa thường được cho chung vào một cái nồi lớn, nêm nếm thêm gia vị hầm thành món xà bần. Tuy không có nguyên tắc nào nhưng thực ra những món được cho vô nấu chung cũng phải có lý một chút, chẳng hạn thịt kho tàu, rau củ xào, vịt kho, gà luộc… chứ không ai cho cá còn thừa vô nấu món xà bần, vì về cơ bản mùi vị không hợp. Và sẽ không có nồi xà bần nào giống nhau, bởi thành phần và số lượng các món còn thừa luôn thay đổi!

Cứ tưởng là sẽ “ngán tận cổ” những món sau đám tiệc, nhưng khi chúng kết hợp với nhau trong món ăn đầy… tinh thần tiết kiệm này thì lại thành ra một món độc đáo, hấp dẫn lạ kỳ: thơm ngậy, đậm đà, chỉ cần một gắp đũa là được ăn đủ các món. Cứ còn xà bần là còn dư vị tiệc tùng, hội hè. Và có lẽ vì mỗi năm chỉ được ăn có vài lần vào dịp lễ, Tết, đám cưới, đám giỗ nên món này càng là “đặc sản”. Song, lẽ thường, khi khách tới nhà, người ta thường đãi những món đã có tiếng như lẩu mắm, lẩu cá kèo, canh bông điên điển… Cho nên, nếu chỉ là ghé chơi hoặc du lịch thì hiếm có người được “đãi” món xà bần.

Xà bần thường được ăn với cơm nóng. Nhưng không thể thiếu dĩa rau ăn kèm gồm đọt keo và lá me non chấm với nước hầm xà bần. Đọt keo và lá me sau khi hái xuống chỉ cần bày ra dĩa chứ không cần chế biến cầu kỳ. Vị chát nhẹ của đọt keo, vị chua thanh của lá me non khiến cho món ăn càng thêm lạ miệng, ý vị. Có nhiều người con xa quê còn ví xà bần ngang với… món ăn cung đình, dù có lẽ chẳng chuyên gia ẩm thực nào đồng tình.

Xà bần được những người con miền Tây Nam bộ xa nhà “thương nhớ” mãi phải chăng còn bởi hương vị của sự đoàn tụ? Vì chỉ khi được về nhà, được quây quần anh em thì mới được thưởng thức món ăn không ai bán, không nơi nào bán này. Xà bần, vì thế, không còn là “xà bần” theo nghĩa đen nữa; xà bần mang mùi vị quê nhà, nơi có những hàng dừa mát rượi, những kênh rạch thân thương, những chuyến đò ngọt ngào câu vọng cổ, những vườn cây trái thơm lành…

Kỳ lạ vậy đó. Nhiều người khi mới nghe kể về món xà bần thường lắc đầu: “Chắc nuốt không trôi”, do tâm lý không thích đồ ăn thừa, lại còn nấu kiểu… xà bần. Người viết bài này cũng từng nghĩ vậy. Nhưng khi đã nếm thử rồi thì, hãy chờ đấy, đừng nói điều ngược lại nhé!

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm