Kinh tế

Nông nghiệp

"Chắp cánh" thương hiệu mật ong hoa cà phê Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ lâu, mật ong nói chung, mật ong hoa cà phê nói riêng của Gia Lai đã nức tiếng gần xa bởi chất lượng hảo hạng. Hiện ngành chức năng của tỉnh đang triển khai các giải pháp phát triển bền vững nhằm tăng thu nhập cho người nuôi và “chắp cánh” thương hiệu mật ong hoa cà phê bay xa.

Nức tiếng về chất lượng

Khi chúng tôi đến thăm, chị Trương Thị Thúy-chủ cơ sở kinh doanh mật ong Hoàng Huynh (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) đang kiểm tra các đàn ong trước ngày thu hoạch mật. Lúc nắp các thùng gỗ lần lượt được mở, từng cầu mật căng mọng hiện ra đầy hấp dẫn. Chị Thúy hồ hởi: “Nhà tôi nuôi ong đến nay đã hơn 30 năm, cũng trải qua nhiều thăng trầm. Nhưng cũng nhờ nó mà cuộc sống ngày càng ổn định, có năm được giá cao, gia đình lãi 500 triệu đồng. Hiện nay, chúng tôi còn 5 trại nuôi ở những nơi chuyên canh cà phê vì loại mật này rất thơm ngon, giá cao. Riêng năm nay, nhu cầu mua mật ong nhiều hơn bởi các công ty dược phẩm sử dụng trong sản phẩm y tế hỗ trợ điều trị Covid-19”.

Mật ong hoa cà phê là sản phẩm chính của cơ sở kinh doanh mật ong Hoàng Huynh (phường Phù Đổng, TP. Pleiku). Ảnh: Thiên Di
Mật ong hoa cà phê là sản phẩm chính của cơ sở kinh doanh mật ong Hoàng Huynh (phường Phù Đổng, TP. Pleiku). Ảnh: Thiên Di


Tết Nhâm Dần 2022 cận kề nhưng ông Lê Văn Dân-Giám đốc Công ty TNHH Nuôi và Xuất nhập khẩu ong mật Gia Lai cùng gia đình vẫn bận rộn với việc chăm sóc, thu hoạch 10.000 đàn ong và mua bán sản phẩm mật ong. Ngót nghét 30 năm theo cánh ong bay, gia đình ông Dân có cuộc sống sung túc từ việc nuôi, chế biến và mua bán các sản phẩm mật ong. “Nghề nuôi ong tiềm ẩn không ít rủi ro nhưng lại cho thu nhập khá cao. Đặc biệt có những năm, chúng tôi xuất khẩu hàng trăm tấn mật sang thị trường châu Âu, lợi nhuận trên chục tỷ đồng. Khách hàng cũng rất thích mật ong của Gia Lai, nhất là mật ong hoa cà phê”-ông Dân chia sẻ.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), toàn tỉnh hiện có 96.000 đàn ong với 292 hộ nuôi và 4 cơ sở, doanh nghiệp nuôi ong lấy mật từ hoa cà phê. Tổng sản lượng khoảng 2.000-3.000 tấn/năm, chiếm 10% sản lượng mật của cả nước; chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ (chiếm khoảng 80% sản lượng mật ong toàn tỉnh), số còn lại tiêu thụ nội địa và xuất sang thị trường EU.

Hướng đến thương hiệu bền vững

Gia Lai hiện có hơn 97.000 ha cà phê. Đây là một trong những lợi thế để phát triển nghề nuôi ong. Cùng với đó, thời gian qua, mật ong Gia Lai được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng. Đơn cử như năm 2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam-VietKings công bố sản phẩm mật ong Gia Lai thuộc Top 10 đặc sản làm quà tặng nổi tiếng của nước ta. Đó là tiền đề thúc đẩy nghề nuôi ong lấy mật, phấn hoa cà phê của tỉnh phát triển.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Nuôi và Xuất nhập khẩu ong mật Gia Lai. Ảnh: Thiên Di
Gian hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Nuôi và Xuất nhập khẩu ong mật Gia Lai. Ảnh: Thiên Di


Nghề nuôi ong lấy mật, nhất là mật hoa cà phê của tỉnh đang rộng mở nhưng còn đó nhiều khó khăn, hạn chế. Những lý do khiến mật ong Gia Lai chưa thể chiếm lĩnh thị trường là kỹ thuật, quy mô nuôi nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho từng sản phẩm và chưa có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất nên thường bị ép giá. Theo chị Trương Thị Thúy, sản lượng mật ong của tỉnh hiện chỉ mới đáp ứng được 5% thị trường trong nước. Trong khi phải chiếm lĩnh 30-40% thị trường trong nước thì người nuôi mới sống khỏe được. “Chúng tôi cũng muốn mở rộng thị trường sang Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng khó vì không đáp ứng đủ sản lượng, dù đã kiểm định sản phẩm đạt chất lượng. Chúng tôi muốn sự trợ giúp của các cấp chính quyền và sự liên kết của các hộ nuôi khác. Mới đây, Sở KH-CN tổ chức khảo sát Dự án phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai, chúng tôi rất đồng tình”-chị Thúy nói.

Ông Lê Văn Dân cũng bày tỏ sự đồng tình với Dự án “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai” do Sở KH-CN xây dựng. “Theo tôi, người nuôi và các công ty chế biến, xuất-nhập khẩu mật ong của tỉnh sẽ hưởng lợi rất nhiều nếu xây dựng được thương hiệu gắn chỉ dẫn địa lý. Lâu nay, qua hoạt động du lịch, giới thiệu sản phẩm, khách hàng đã biết đến mật ong Gia Lai nhưng chưa rộng rãi. Vì thế, khi biết Sở KH-CN khảo sát để xây dựng dự án, tôi rất đồng tình hưởng ứng”-ông Dân cho hay.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở KH-CN-cho biết: Dự án “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai” sẽ góp phần nâng cao danh tiếng, giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng là công cụ để chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người nuôi ong và người tiêu dùng. Đồng thời, giúp tăng thu nhập, ổn định sinh kế cho người dân theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, dự án triển khai sẽ góp phần bảo vệ hệ sinh thái môi trường rừng và vệ sinh an toàn thực phẩm, thúc đẩy tiềm năng du lịch Gia Lai, củng cố lại hệ thống sản xuất, ổn định, duy trì sự phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật truyền thống của địa phương.

 

 THIÊN DI
 

Có thể bạn quan tâm