Phóng sự - Ký sự

Chắt chiu sản vật huyện nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Rời TP Đà Lạt với những rừng thông thơ mộng, ngang qua huyện Lâm Hà với những vườn dâu bạt ngàn, chúng tôi đến Đam Rông, một trong những huyện nghèo nhất nước. Huyện này đang nỗ lực vươn lên bằng những sản vật hiếm hoi mà thiên nhiên ban tặng.

Suối khoáng nóng duy nhất ở Tây Nguyên

Trong chuyến khảo sát các tua tuyến du lịch mới của tỉnh Lâm Đồng, khi đến huyện Đam Rông, bạn đồng hành của tôi chia sẻ: “Đam Rông nghèo từ trong trứng nước vì được hình thành từ việc sáp nhập 3 xã nghèo phía Tây của huyện Lạc Dương và 5 xã thuộc diện khó khăn của huyện Lâm Hà. Khi đó, có người ví Đam Rông là sự kết hợp giữa cái nghèo cũ với cái nghèo mới, lớn hơn và nghèo hơn, trở thành một trong những huyện nghèo nhất nước”

Chắt chiu sản vật huyện nghèo ảnh 1

Một góc Suối khoáng nóng DAANA

Tuy nhiên, Đam Rông cũng có lợi thế là huyện duy nhất ở Tây Nguyên có suối khoáng nóng. Già K’Jung (người K’Ho) kể rằng, ngày xưa, bên dòng sông này có ngôi làng nhỏ. Theo phong tục, khi vợ đến kỳ sinh nở, người chồng sẽ đưa ra bờ suối rồi nấu nước tắm cho vợ và trẻ sơ sinh. Ngày nọ, có đôi vợ chồng sinh được bé gái xinh xắn nhưng vì mưa to gió lớn nên không thể đốt lửa để nấu nước bên suối. Người chồng rất lo lắng và thành tâm cầu khấn nên Yàng (trời) rủ lòng thương. Trời đang tối sầm bỗng dưng có vầng sáng lóe lên, đá tách ra và một dòng suối khoáng nóng tuôn trào để người chồng lấy nước tắm rửa cho vợ con.

Chắt chiu lợi thế này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chi hơn 1 tỷ đồng để nghiên cứu đánh giá trữ lượng và chất lượng nguồn nước khoáng nóng hòng tìm hướng mở phát triển kinh tế của huyện. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, nguồn nước khoáng nóng ở đây có nhiệt độ trên dưới 45oC, chứa hàm lượng silic và flour đáng kể, phù hợp để sản xuất nước uống đóng chai với sản lượng không dưới 50 triệu lít/năm; mặt khác, có tác dụng tăng cường sức khỏe, hỗ trợ điều trị một số bệnh về hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, xương - khớp…

Chắt chiu sản vật huyện nghèo ảnh 2

Những đặc sản của huyện nghèo được du khách yêu thích

“Sau 3 năm nay xây dựng, Khu suối khoáng nóng DAANA sẽ khai trương đúng dịp lễ 30/4 này. DAANA nằm giữa khu rừng rộng cả trăm héc ta nên cảnh quan rất đẹp, khí hậu mát mẻ, thích hợp để ngâm tắm, chữa bệnh, nghỉ dưỡng nhằm hồi phục sức khỏe. DAANA là tên viết tắt của Đạ Ana, nghĩa là dòng sông mẹ”, ông Liêng Hót Ha Hai, Phó chủ tịch UBND huyện UBND huyện Đam Rông cho biết.

Hiện chuỗi hồ xinh xắn đã được xây dựng ở suối khoáng nóng cho du khách ngâm tắm. Làn nước ấm nóng trong vắt chảy qua hệ thống đá bàn, đá phiến tự nhiên massage nhẹ nhàng làn da của du khách, mang lại cảm giác thư giãn, khoan khoái. Xung quanh khu hồ tắm còn có rừng hoa bằng lăng tím ngát; nhiều giò phong lan rừng tuyệt đẹp; chim, sóc đua nhau chuyền cành, hót ríu ran thật vui tai. Đêm xuống, bên ánh lửa bập bùng, du khách thưởng thức các món ẩm thực đậm bản sắc Tây Nguyên như gà nướng cơm lam, cá suối rau rừng; lâng lâng trong men rượu cần cùng tiếng cồng chiêng vang vọng khắp đại ngàn.

Chắt chiu sản vật huyện nghèo ảnh 3

Theo ông Đoàn Trương Duy, giám đốc đơn vị quản lý vận hành khu suối khoáng nóng DAANA, nếu các nơi khác ở Việt Nam thường đầu tư khu tắm khoáng kết hợp vui chơi nước thì DAANA có lối đi riêng: Tắm khoáng và chữa lành. Sau khi ngâm tắm, du khách dạo bộ trong rừng, được phục vụ ăn uống, trị liệu chuyên sâu bởi các chuyên gia để hồi phục sức khỏe. Khu lưu trú với kiến trúc Tây Nguyên ẩn hiện trong rừng được đầu tư bài bản để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng.

Bà Dương Thị Hiền, Phó trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL Lâm Đồng) nhận định, Suối khoáng nóng DAANA được đầu tư bài bản, kết nối với nhà thờ đá Đạ Tông và các thác nước hùng vĩ như thác Nếp, Bảy Tầng, Tình Tang… tạo thành tua du lịch hấp dẫn. Mặt khác, có thể phát triển loại hình du lịch thể thao mạo hiểm: chèo thuyền trên sông Krông Nô. Huyện Đam Rông nằm ven quốc lộ 27, tiếp giáp với tỉnh Đắk Lắk nên thuận lợi kết nối với các tua tuyến du lịch khác ở Tây Nguyên.

Chuối tiến vua, dứa mật, trà trầm

Vì vừa trải mấy chục cây số đường đèo uốn lượn giữa dãy Trường Sơn Đông nên ai nấy đều mệt lả. Vừa hay, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đam Rông Nguyễn Văn Quang mang dứa mật và trà trầm ra mời. Những miếng dứa mọng nước có vị ngọt thanh, quyện với vị mặn nồng, cay cay của muối ớt khiến thực khách thòm thèm, muốn ăn mãi. Cùng đó, với vị nhân nhẫn nơi đầu lưỡi của trà trầm như đánh thức mọi giác quan. Theo lời anh Quang, nhờ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên dứa mật Đam Rông cho quả to, mọng nước và ngọt thanh hơn những nơi khác.

Phó Chủ tịch Liêng Hót Ha Hai cũng hào hứng chia sẻ: “Đây là loại cây trồng có tiềm năng lớn, diện tích dứa đang được mở rộng, sản lượng thu hoạch dần tăng cao. Chúng tôi đang tính chuyện dài hơi như xây dựng thương hiệu, phát triển chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, để người dân yên tâm gắn bó và phát triển cây trồng này”.

Cũng theo ông Ha Hai, trà trầm Đam Rông là loại trà dược liệu do Cty Dó bầu Hương Quảng Nam trồng và chế biến ngay tại vùng đất này. Trà trầm được tạo ra từ lá cây gió bầu tiêm tinh dầu trầm, sau 6 tháng mới thu hoạch, có mùi hương thanh mát của lá tươi. Khi uống vào có vị hơi nhẫn nơi đầu lưỡi, nhưng dư vị ngọt hậu, thơm nồng.

Đến xã Đạ K’Nàng, chúng tôi được mời thưởng thức chuối La Ba với những quả thon, dài, hơi cong, vỏ mỏng, màu vàng tươi, thịt quả dẻo, ngọt và có hương thơm đặc trưng. Chủ trang trại chuối cho hay, đầu tiên, chuối La Ba được trồng ở vùng Phú Sơn (Lâm Đồng), từng được đưa ra Huế cung tiến vua hoặc mang lên Đà Lạt bán cho quan chức người Pháp. Sau đó Chuối được mang đi trồng ở những nơi tương đồng về chất đất, khí trời, trong đó có xã Đạ K’Nàng. Chuối La Ba nhanh chóng thích nghi với vùng đất mới, chinh phục thị trường khó tính Nhật Bản rồi tìm đường sang Mỹ, Hàn, Malaysia và Trung Quốc.

“Sắp tới sẽ có một khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của huyện Đam Rông tại Suối khoáng nóng DAANA. Đây sẽ là kênh quảng bá để các đặc sản như dứa mật, trà trầm, trà dây, chuối La Ba… tiếp cận gần hơn với du khách”, ông Duy cho biết.

Hơn 65% dân số của huyện Đam Rông là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người K’Ho và M’Nông. Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán khác nhau, tạo nên sự phong phú đa dạng về bản sắc để phát triển du lịch văn hóa, như: lễ hội mừng lúa mới, mang lúa về kho của đồng bào K’Ho, M’Nông; lễ hội cầu trăng, lồng tồng (hội xuống đồng) của dân tộc Tày…

Có thể bạn quan tâm