Kinh tế

Nông nghiệp

Chế biến cà phê theo phương pháp mật ong: Dễ làm, hiệu quả cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cà phê nhân, anh Nguyễn Tiến Thành (thôn Hưng Tiến, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, Gia Lai) đã chế biến theo phương pháp mật ong. Đây là phương pháp chế biến khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao. 
Năm 2018, qua tìm hiểu thị trường, anh Thành thấy các cơ sở rang xay cà phê rất ưa chuộng nguồn nguyên liệu được chế biến theo phương pháp mật ong. Vì vậy, anh đã mạnh dạn chế biến thử khoảng 3 tấn cà phê theo phương pháp này và thu được thành công. Năm nay, anh dự kiến sẽ nâng sản lượng cà phê chế biến lên khoảng 20 tấn để cung cấp cho thị trường.
 Anh Nguyễn Tiến Thành kiểm tra độ khô của cà phê nhân. Ảnh: L.N
Anh Nguyễn Tiến Thành kiểm tra độ khô của cà phê nhân. Ảnh: L.N
Anh Thành cho biết: “Nguyên tắc cốt lõi của phương pháp mật ong nằm ở chỗ chỉ chọn những quả cà phê chín để chế biến. Bởi lẽ, hàm lượng đường trong quả cà phê chín sẽ ở mức cao nhất và đạt chất lượng tốt nhất”. Cũng theo anh Thành, quy trình chế biến cà phê theo phương pháp mật ong rất đơn giản, chi phí đầu tư không cao và các hộ gia đình đều có thể áp dụng để nâng cao giá trị sản phẩm. Cụ thể, cà phê sau khi thu hái về sẽ được đổ vào một bể nước hoặc máy rửa để loại bỏ những quả khô, quả bị sâu, lép, kém chất lượng và những tạp chất khác như cành, lá, đất... Sau đó, cà phê tiếp tục được đưa vào máy xay ướt để loại bỏ phần vỏ. Trong quá trình xay tách vỏ, máy sẽ tự phân loại và chỉ xay quả cà phê chín. Nhân cà phê sau khi xay sẽ được đưa vào ủ 8-12 tiếng đồng hồ để lên men rồi đưa lên các giàn phơi ngoài trời. Qua quá trình sơ chế, phơi khô, nhân cà phê vẫn còn lớp vỏ trấu cứng ở ngoài để bảo vệ khỏi côn trùng và một số tác nhân làm hư hại khác, đến khi giao cho khách hàng mới tiến hành xay tách vỏ trấu.
Để chế biến cà phê theo phương pháp mật ong, gia đình anh Thành chỉ phải đầu tư khoảng 25 triệu đồng mua máy xay và làm giàn phơi bằng khung sắt, lưới. Phần công lao động để làm các công đoạn từ sơ chế đến phơi cũng tương đương so với chế biến cà phê nhân thông thường. “Chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả mang lại rất lớn đó là nâng cao giá trị sản phẩm cà phê. Hiện tại, tôi đang hợp đồng cung cấp cà phê nhân chế biến theo phương pháp mật ong cho các cơ sở chuyên rang xay cà phê nguyên chất trên địa bàn huyện Chư Prông và TP. Pleiku với giá cao hơn khoảng 20.000 đồng/kg so với nguyên liệu thông thường”-anh Thành chia sẻ.
Với 3 ha cà phê, hiện mỗi năm gia đình anh Thành thu được hơn 10 tấn cà phê nhân. Để có thêm nguồn nguyên liệu chế biến nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, anh đang thu mua cà phê tươi của bà con trong xã với giá cao hơn thị trường 500-2.000 đồng/kg tươi, tùy vào tỷ lệ quả chín. Anh Thành cho biết thêm: “Thời gian tới, khi sản phẩm cà phê nhân chế biến theo phương pháp mật ong của gia đình xây dựng được thương hiệu, mở rộng thị trường, tôi sẽ đầu tư nâng công suất lên khoảng 50 tấn/vụ và tiến tới ký kết, bao tiêu sản phẩm với bà con trong thôn. Đồng thời, tôi sẽ hướng dẫn người dân thu hoạch cà phê sao cho đảm bảo chất lượng, đạt tỷ lệ quả chín cao. Nếu hộ nào có ý định chế biến theo phương pháp này, tôi sẽ hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật và giúp tiêu thụ sản phẩm”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho hay: Anh Thành là người đầu tiên trên địa bàn huyện triển khai chế biến cà phê ướt theo phương pháp mật ong. Bước đầu cho thấy, phương pháp chế biến này mang lại hiệu quả tương đối tốt, nâng cao giá trị của hạt cà phê. “Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra nguồn nguyên liệu sạch, đảm bảo chất lượng thì người dân cần đẩy mạnh việc tái canh, đưa những giống năng suất, chất lượng cao vào trồng và phải dần thay đổi phương thức sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C hoặc hữu cơ. Huyện luôn khuyến khích người dân chủ động tiếp cận với những phương pháp chế biến sâu để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm”-ông Luyến nhấn mạnh.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm