Kinh tế

Nông nghiệp

Chế biến trà dược liệu: Lĩnh vực nhiều tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tận dụng nguồn dược liệu và nông sản sẵn có tại địa phương, nhiều hợp tác xã và cơ sở sản xuất đã chế biến các loại trà với hương vị độc đáo, mang đến sự mới lạ cho người dùng. Trong số đó, nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Nhằm tìm hướng đi riêng trên con đường khởi nghiệp, chị Phạm Thị Bình (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao giá trị cho cây trồng thông qua chế biến. Năm 2018, chị bắt đầu chọn cây sả chanh để chế biến sản phẩm trà lá sả chanh.
Chị cho hay: Ở vùng Ia Vê, người dân trồng rất nhiều sả nhưng họ chỉ thu hoạch thân, còn lá thì bỏ. Trong khi đó, thành phần tinh dầu trong lá sả lại rất tốt cho sức khỏe. Thấy lãng phí nên chị đã thử nghiệm sấy lá sả làm thức uống. Tuy nhiên, khi sấy xong thì mùi vị rất khó uống. Do vậy, chị đã kết hợp thêm cỏ ngọt, đậu đen xanh lòng, gừng, mãng cầu tạo ra mùi vị thơm ngon và dễ uống hơn, đồng thời làm thành túi lọc để tiện sử dụng. Năm 2021, sản phẩm trà lá sả chanh do chị Bình chế biến đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
“Thành công với sản phẩm đầu tay khiến tôi có thêm động lực để tiếp tục nghiên cứu và chế biến thêm các sản phẩm: trà đậu đen gạo lứt, trà mãng cầu xiêm. Tôi đang thử nghiệm loại trà dành cho người bị tiểu đường với thành phần là thân lá khổ qua, lá ổi, cỏ ngọt, lá mãng cầu. Nếu thành công, tôi sẽ chọn sản phẩm này tham gia Chương trình OCOP năm sau”-chị Bình chia sẻ.
Sản phẩm lá sả chanh của chị Phạm Thị Bình (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) được nhiều người tin dùng, thị trường tiêu thụ dần mở rộng. Ảnh: Vũ Thảo
Sản phẩm lá sả chanh của chị Phạm Thị Bình (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) được nhiều người tin dùng, thị trường tiêu thụ dần mở rộng. Ảnh: Vũ Thảo
Hiện nay, nhiều hợp tác xã (HTX) cũng đi vào lĩnh vực chế biến trà từ nông sản, dược liệu như: HTX Nông lâm nghiệp Quyết Tiến với sản phẩm trà đinh lăng; HTX Nông nghiệp và phát triển công nghệ cao Đức Cơ có sản phẩm trà bí đao; HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS có sản phẩm trà măng tây, trà đinh lăng. Chị Nguyễn Thị Thảo-thành viên HTX Nông nghiệp và phát triển công nghệ cao Đức Cơ đã chế biến trà bí đao Chuya Food đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2020.
Chị chia sẻ: “Trà bí đao rất tốt cho sức khỏe, nguyên liệu sẵn có, lại dễ tìm được nguồn nguyên liệu tại địa phương. Năm 2019, tôi bắt đầu học hỏi cách sấy bí đao để làm trà. Với quy trình sản xuất khép kín, sử dụng công nghệ sấy năng lượng mặt trời, bí đao luôn giữ được màu sắc và mùi vị nguyên bản nên chất lượng được đánh giá cao. Hiện tại, HTX tiêu thụ 300-500 hộp sản phẩm/tháng”.
Sản phẩm trà mãng cầu xiêm được nhiều người tin dùng, thị trường tiêu thụ dần mở rộng. Ảnh: Vũ Thảo
Sản phẩm trà mãng cầu xiêm được nhiều người tin dùng, thị trường tiêu thụ dần mở rộng. Ảnh: Vũ Thảo
Trao đổi với P.V, ông Trần Văn Trong-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai-cho biết: Với những ý tưởng độc đáo kết hợp từ những nguyên liệu tốt cho sức khỏe, nhiều thành viên Câu lạc bộ đã chế biến thành những loại trà mới lạ. Khi tham gia OCOP, hầu hết các sản phẩm được đánh giá cao về ý tưởng cũng như chất lượng, trong đó có nhiều sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP. Việc tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để gia tăng giá trị cho hàng nông sản, tạo ra sản phẩm mới mang nét đặc trưng của địa phương, từng bước nâng cao thu nhập cho thành viên. Đây là hướng đi mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Các loại trà đang là sản phẩm rất có tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.
“Để tạo điều kiện, cơ hội cho các cơ sở sản xuất sản phẩm mới, chúng tôi luôn hỗ trợ về mọi mặt từ đăng ký chất lượng, thủ tục xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, để quảng bá, giới thiệu trưng bày sản phẩm, Câu lạc bộ đã hỗ trợ thành viên kết nối tìm đầu ra thông qua việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại như hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu. Bước đầu, công tác này đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp thành viên có thêm động lực để phát triển sản phẩm”-ông Trong thông tin.
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm