Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Chỉ định thầu 8 dự án cao tốc Bắc - Nam: Có đảm bảo tính cạnh tranh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Liên quan đến quan điểm trái chiều giữa Bộ GTVT và Bộ KHĐT về việc chỉ định thầu (giao thầu) và đấu thầu công khai tại 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia bày tỏ: Việc chỉ định thầu các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam có thể sẽ làm giảm tính cạnh tranh. Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, việc đấu thầu minh bạch hơn chỉ định thầu. 

 

Cao tốc Bắc - Nam đoạn La Sơn - Túy Loan. Ảnh: Huy Hùng
Cao tốc Bắc - Nam đoạn La Sơn - Túy Loan. Ảnh: Huy Hùng



Chỉ định hay đấu thầu công khai?

Theo dự kiến, 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được Chính phủ trình Quốc hội chuyển đổi từ việc kêu gọi đầu tư bằng hình thức BOT (Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao) sang đầu tư công vào kỳ họp tới đây. Tuy nhiên, đi cùng với chuyển đổi sang đầu tư công, Bộ KHĐT lại đề xuất với Chính phủ cho phép chỉ định để chọn nhà thầu.

Đại diện Bộ GTVT cho rằng, nếu Quốc hội thông qua nghị quyết cho phép các dự án nêu trên được chuyển từ BOT sang đầu tư công, Bộ GTVT sẽ kiến nghị đấu thầu. Vì theo Luật Đầu tư công, các dự án đầu tư công sử dụng ngân sách, không phải vốn vay nước ngoài nên việc thi công sẽ được dành cho các doanh nghiệp trong nước. Đó là điều quy định trong luật và để tạo công ăn việc làm, thu nhập cho doanh nghiệp trong nước.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT - ông Nguyễn Nhật, quan điểm của Bộ GTVT là đấu thầu tất cả các dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam, không chỉ định thầu và Thủ tướng sẽ có quyết định đấu thầu sau khi Quốc hội nhất trí chuyển đổi sang đầu tư công. Vì chỉ định thầu sẽ phát sinh rủi ro, kể cả rủi ro đối với những người chịu trách nhiệm quyết định.

Thứ trưởng KHĐT - ông Trần Quốc Phương cho biết, thẩm quyền chuyển đổi hình thức đầu tư BOT sang đầu tư công thuộc về Quốc hội. Còn thẩm quyền chỉ định thầu hay đấu thầu thuộc về Thủ tướng theo Điều 26 của Luật Đấu thầu. Để tham mưu cho Thủ tướng, Bộ KHĐT cũng có trách nhiệm tham mưu nhưng chủ trì là Bộ GTVT. Trong khi đó, tại văn bản của Bộ KHĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Cao tốc Bắc - Nam đề nghị Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền phương án chỉ định thầu sau khi các dự án được chuyển đổi sang đầu tư công, trong đó ưu tiên cho các doanh nghiệp quốc phòng.  

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bản chất mục đích của Luật Đấu thầu là chọn được nhà đầu tư, nhà thầu thi công, nhà thầu thiết kế đảm bảo chất lượng đề ra. Việc chọn nhà thầu có 2 phương án là chỉ định thầu và đấu thầu.

Với phương án đấu thầu sẽ công khai minh bạch để chọn ra nhà thầu có đủ năng lực thi công với nhiều gói thầu khác nhau như: Gói thầu kỹ thuật, gói thầu thi công, tài chính để chọn được nhà thầu có đủ năng lực về tài chính, chuyên môn, kinh nghiệm với việc bỏ giá thầu hợp lý để làm ra những sản phẩm tốt. Và nếu chỉ định thầu theo Điều 22 của Luật Đấu thầu quy định hoàn toàn có quyền chỉ định thầu, nhưng chỉ đối với những công trình mang tính cấp bách và an ninh quốc phòng.

Theo Giám đốc Công ty 36.71 (Tổng Công ty 36) - ông Nguyễn Trung Dũng, muốn minh bạch phải đấu thầu công khai theo quy định của pháp luật, trừ những công trình mang tính chất an ninh quốc phòng nhưng phải có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các đơn vị quốc phòng cũng phải đấu thầu.

“Đấu thầu sẽ minh bạch và tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và chọn được năng lực của đơn vị thi công về nhân lực, thiết bị, tài chính, hồ sơ kinh nghiệm thi công”, ông Dũng cho hay.

Phải công khai để minh bạch

Theo thông lệ thế giới thường đấu thầu công khai minh bạch để chọn được nhà thầu đủ năng lực thực hiện. Nhưng nhiều năm qua, công tác đấu thầu có nhiều bất cập như cố tình hạ giá thành, quân xanh quân đỏ, ép giá, ép tiến độ sẽ không đồng hành với chất lượng công trình.

Nhiều gói thầu khi bỏ giá thấp nhất đều khó thực hiện được dẫn đến chất lượng kém do bị giảm cấp, giảm khối lượng của vật liệu, giảm năng lực thi công. Nếu không kiểm soát được đấu thầu một cách minh bạch, công bằng, khoa học thì sẽ phải trả giá lớn do chất lượng công trình kém. Nhiều công trình đã phải trả giá như như Cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng, mà chính Bộ GTVT cho rằng, nhà thầu bỏ giá thấp nhất thi công. Nhiều công trình đáng lẽ phải 15 năm mới phải trùng tu nhưng chỉ sau 5 năm đã phải thực hiện trùng tu bảo dưỡng gây tốn kém và lãng phí.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, muốn làm tốt công tác đấu thầu thì phải làm tốt công tác quản lý sau đấu thầu, hiện công tác quản lý sau đấu thầu chưa được coi trọng. Nếu quản lý tốt thì đấu thầu là sòng phẳng và minh bạch nhất, phải gắn trách nhiệm của cơ quan tổ chức đấu thầu phải đi đến cùng với sản phẩm. Công tác giám sát sau đấu thầu chưa được quan tâm.

Là doanh nghiệp đã đầu tư và thi công nhiều dự án đường bộ lớn, ông Vũ Đức Nhận - Phó Tổng Giám đốc Công ty Phương Thành đánh giá, thủ tục chỉ định thầu nhanh nhất là mất 3 tháng, giảm được 2/3 thời gian so với đấu thầu. Nhưng tính cạnh tranh, minh bạch không cao so với việc đấu thầu và tạo áp lực cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xét duyệt, hậu kiểm sau này. Mỗi phương thức chỉ định thầu hay đấu thầu đều có ưu, nhược điểm riêng, quan trọng nhất là các thủ tục cần tiến hành nhanh chóng thì thời gian chuẩn bị đầu tư được rút ngắn. 

Trước ý kiến do tiến độ của dự án gấp cần chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, Dự án Cao tốc Bắc - Nam nếu chỉ định thầu tiến độ cũng không nhanh hơn nếu đơn vị được chỉ định không có năng lực và tiến độ giải phóng mặt bằng chậm thì cũng sẽ không nhanh hơn. Do đó, cứ theo quy định của Luật Đầu thầu mà thực hiện.

Theo ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư, sau dịch COVID-19, Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công tại các dự án trọng điểm như: Cao tốc Bắc - Nam, Sân bay Long Thành… đã kích thích toàn bộ nền kinh tế, kích hoạt cung cao nhất thì cũng nên chỉ định thầu. Nhưng đã chỉ định thầu phải công khai và gắn trách nhiệm đến cùng sản phẩm và phải đền bù thiệt hại nếu lỗi xảy ra. Còn lại phải được đấu thầu công khai, minh bạch, gắn trách nhiệm của từng đơn vị nếu sai phải đền bù thiệt hại.


 


TS Lê Đăng Doanh: Nên đấu thầu công khai minh bạch với các tiêu chí rõ ràng và được giám sát độc lập của các cơ quan, chuyên gia và hiệp hội. Một dự án lớn bao nhiêu thì càng phải công khai minh bạch bấy nhiêu và không được chỉ định thầu.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:  Việc đấu thầu minh bạch hơn chỉ định thầu và các dự án ngân sách cần đấu thầu theo quy định Luật đầu tư công. Để công tác đấu thầu nhanh, cần đẩy nhanh phê duyệt các thủ tục và đưa ra tiêu chí phù hợp để rút ngắn việc lựa chọn nhà thầu. Nếu áp dụng chỉ định thầu thì phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, nhà thầu được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí về năng lực thi công, năng lực tài chính, kinh nghiệm.

https://laodong.vn/xa-hoi/chi-dinh-thau-8-du-an-cao-toc-bac-nam-co-dam-bao-tinh-canh-tranh-799902.ldo

Theo Đặng Tiến (LĐO)

Có thể bạn quan tâm