Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai: Dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bằng chất liệu được chắt lọc từ vùng đất đỏ bazan ngập tràn nắng gió, thời gian qua, hội viên chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh đã sáng tác nhiều tác phẩm về đất và người Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Những đóng góp đáng ghi nhận
Hội viên của chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh phần lớn đến từ những vùng đất khác nhau nhưng đều chọn Gia Lai làm điểm dừng chân và xây dựng sự nghiệp bằng tình yêu với âm nhạc. Trải qua nhiều năm tháng gắn bó, con người, thiên nhiên, văn hóa của vùng đất này đã dần trở thành chất liệu chủ đạo trong các sáng tác của từng nhạc sĩ, nghệ sĩ.
Những ai trót yêu Pleiku không thể không biết đến những ca từ tha thiết: “Tôi đã có một Pleiku xanh thắm trang thơ/Tôi đã yêu một Pleiku sương mây mộng mơ/Một Pleiku chưa xa đã nhớ/Một Pleiku lần đầu mà yêu…” trong ca khúc “Pleiku chưa xa đã nhớ” của nhạc sĩ Ngọc Tường. Còn trong bài hát “Hè về trên cao nguyên”, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan cũng đã dùng những ca từ thật đẹp với giai điệu nhịp nhàng, réo rắt: “Mùa hè về trên cao nguyên xanh/Rừng cao su tuôn dòng sữa trắng/Bồng bênh mây tím bay xa xa/Về Ia Ly gọi thác điện về”. Không chỉ vậy, những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Jrai, Bahnar cũng là chủ đề trong nhiều sáng tác của các nhạc sĩ. Có thể kể đến các tác phẩm như: “Tiếng đàn đinh goong” (nhạc sĩ Ngọc Tường), “Tượng mồ”, “Tiếng cồng chiêng Tây Nguyên” (nhạc sĩ Thảo Nam Giang), “Tượng mồ ơi hát lên” (Nghệ sĩ Ưu tú Ali Việt)… Thạc sĩ, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, Chi hội trưởng chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh-chia sẻ: “Qua các sáng tác ấy, cảnh vật, con người và văn hóa Gia Lai đến gần hơn với những người yêu nghệ thuật. Đó cũng là cách thể hiện tình yêu của người nghệ sĩ đang sinh sống trên vùng đất này”.
Quang cảnh Đại hội chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai khóa IV (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: P.L
Quang cảnh Đại hội chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai khóa IV (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: P.L
Tại các kỳ liên hoan, hội diễn, nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ Gia Lai đã đạt giải cao, đóng góp đáng kể cho sự nghiệp âm nhạc của tỉnh nhà. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan là cái tên quen thuộc được xướng lên tại các kỳ Liên hoan âm nhạc Hội nhạc sĩ Việt Nam hàng năm. Có thể kể đến các tác phẩm: “Xuân về trên cao nguyên” (giải B, năm 2016); “Anh mang em đi mãi” (giải B, năm 2017)… Năm 2018, cuốn sách “Dân ca Jrai” (tập 2) của ông đã đạt giải C tại Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhạc sĩ Thảo Nam Giang thì ghi dấu ấn tại Liên hoan Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam với ca khúc “Tượng mồ” (giải A, năm 2017) và “Tiếng cồng chiêng Tây Nguyên” (giải A, năm 2019)… Nghệ sĩ Ưu tú Ali Việt-giảng viên Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, người đạt giải tác giả xuất sắc trong Hội thi tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch lần thứ 2 do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2015-chia sẻ: Từ sáng tác của các nhạc sĩ trên địa bàn tỉnh, anh đã dàn dựng thành công nhiều tiết mục cho học sinh của trường tham gia và đạt giải cao tại các hội thi, liên hoan toàn quốc. “Con người, văn hóa Tây Nguyên là kho tàng vô cùng phong phú, quý giá. Đó là nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo nghệ thuật, không riêng gì âm nhạc. Mỗi ngày, tôi đều nỗ lực để những chất liệu về Tây Nguyên luôn được làm mới”-Nghệ sĩ Ưu tú Ali Việt bày tỏ.
Quan tâm phát triển hội viên
Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh hiện có 11 hội viên thuộc các chuyên ngành: sáng tác, lý luận-nghiên cứu, biểu diễn, đào tạo. Phần lớn hội viên là nam giới, chỉ có 2 nữ. Tất cả đều là những nhạc sĩ, nghệ sĩ có thâm niên, đạt nhiều thành tựu đáng kể, sở hữu nhiều tác phẩm được đông đảo công chúng yêu thích. Chi hội trưởng chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh cho biết: “Trong 5 năm qua, các nhạc sĩ, nghệ sĩ trong tỉnh đã có nhiều tác phẩm được công bố, xuất bản. Nhiều giải thưởng đã được trao cho các tác phẩm tiêu biểu từ khí nhạc, thanh nhạc cho đến các công trình nghiên cứu. Các nhạc sĩ cũng đã cố gắng đầu tư cho các thể loại âm nhạc bác học như: giao hưởng thơ, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ phương Tây, nhạc cụ dân tộc, hợp xướng... được đông đảo công chúng đón nhận”.
Nhạc sĩ Ngọc Tường có rất nhiều sáng tác về Gia Lai được công chúng yêu thích. Ảnh: P.L
Nhạc sĩ Ngọc Tường có rất nhiều sáng tác về Gia Lai được công chúng yêu thích. Ảnh: P.L
Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, việc phát hiện, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhạc sĩ, nghệ sĩ âm nhạc vẫn còn hạn chế, chưa khai thác được hết tiềm năng trong công chúng. Hiện hội viên “trẻ” nhất cũng đã 41 tuổi, nhiều tuổi nhất là 76 tuổi. Từ năm 2015 đến nay, chỉ có 3 nghệ sĩ được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. “Trong thời gian tới, cùng với khuyến khích, tạo điều kiện cho hội viên tham gia các hoạt động chuyên môn do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, chúng tôi cũng sẽ tích cực phát hiện những cá nhân có năng lực sáng tác, khả năng cống hiến để giới thiệu kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam, từ đó từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ nhạc sĩ tỉnh nhà”-nhạc sĩ Lê Xuân Hoan cho hay. Bên cạnh đó, việc nâng cao số lượng, chất lượng các sáng tác âm nhạc cũng là nhiệm vụ trọng tâm của chi hội.
Phát biểu tại Đại hội chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh mới đây, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ nhạc sĩ tỉnh trong thời gian qua. Phó Giám đốc Sở cũng hy vọng thời gian tới, các nghệ sĩ sẽ tiếp tục cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp âm nhạc, có thêm nhiều tác phẩm hay. “Sở sẽ tạo điều kiện kết nối, phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức cho đội ngũ nhạc sĩ có những chuyến đi thực tế, tạo cảm hứng để cho ra đời nhiều tác phẩm hay hơn nữa, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng”-ông Hoàng nhấn mạnh. 
 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm