Giỏi việc Hội
Năm 2003, chị Liên từ Quảng Bình vào Tây Nguyên theo học chuyên ngành Kế toán tại Trường Cao đẳng Kinh tế Kon Tum. Sau khi tốt nghiệp, chị làm việc cho một doanh nghiệp ở địa phương.
Đến năm 2009, chị lập gia đình rồi theo chồng về Gia Lai định cư tại thôn Nông Trường, xã Ia Glai. Tại đây, chị vừa duy trì công việc kế toán doanh nghiệp vừa tiếp tục học lên đại học theo chương trình vừa học vừa làm. Mặc dù khá bận rộn nhưng hễ có thời gian rảnh là chị lại tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương.
Chị Trương Thị Liên (ở giữa) chia sẻ kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm với hội viên phụ nữ. Ảnh: M.T |
Năm 2017, chị Liên được mọi người tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nông Trường. “Được chị em tin tưởng và ủng hộ, tôi cùng với Ban Chấp hành Chi hội triển khai nhiều hoạt động, tập hợp được đông đảo hội viên tham gia. Phong trào phụ nữ của thôn có sự chuyển biến về mọi mặt. Trong đó, việc xây dựng Quỹ “Tín dụng tiết kiệm” với số tiền hơn 60 triệu đồng đã giúp nhiều hội viên khó khăn trong thôn có vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”-chị Liên cho hay.
Năm 2020, chị Liên giữ chức Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Glai. Trên cương vị mới, chị có nhiều cơ hội gần gũi với chị em ở tất cả 9 thôn, làng; qua đó, phát huy tốt khả năng của bản thân trong việc hướng dẫn tập hợp, thu hút hội viên tham gia tổ chức Hội.
Một số phong trào nổi bật do chị tham mưu Hội LHPN xã phát động đã nhận được sự đồng thuận cao và tạo được sự lan tỏa trong hội viên như: Rửa xe gây quỹ, Trồng bắp gây quỹ, Cắt tóc miễn phí cho người già và trẻ em, Câu lạc bộ Thể thao dân vũ… “Thông qua các hoạt động này, uy tín của tôi từng bước được củng cố. Hầu hết chị em đều tham gia phong trào rất hào hứng và nhiệt tình”-chị Liên phấn khởi nói.
Đảm việc nhà
Không chỉ làm tốt công tác Hội, chị Liên còn là tấm gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế ở xã Ia Glai. Từ 1,3 ha cà phê ban đầu được bố mẹ chồng cho làm vốn khi tách hộ ra ở riêng vào năm 2012, vợ chồng chị đã dần mở rộng quy mô canh tác lên hơn 3 ha. Khi cà phê đồng loạt bước vào giai đoạn kinh doanh, mỗi năm, chị thu về trên 400 triệu đồng.
Đầu năm 2023, nhận thấy nghề trồng dâu nuôi tằm khởi sắc trở lại sau đại dịch Covid-19, chị Liên bàn với chồng chuyển đổi 1,3 ha cà phê già cỗi sang trồng dâu; đồng thời, tận dụng diện tích kho rộng 200 m2 từng dùng kinh doanh phân bón trước đây để xây dựng nhà nuôi tằm.
Chị cho biết: Thời điểm ấy, trên địa bàn xã cũng có một số hộ nuôi tằm nhưng quy mô nhỏ lẻ, năng suất đạt thấp. Vì vậy, chị đã chủ động tìm hiểu kỹ thuật nuôi để kết nối với một số mô hình trồng dâu nuôi tằm ở Đà Lạt. Tháng 8-2023, chị nuôi lứa tằm đầu tiên. Giống được nhập từ một cơ sở tại huyện Đak Đoa với giá 1 triệu đồng/thùng. Sau nửa tháng, chị thu hoạch được 118 kg kén và bán được gần 22 triệu đồng. Lứa thứ 2 cho thu hoạch vào giữa tháng 9 vừa qua và lứa thứ 3 đang bước vào thời kỳ “ăn rỗi”.
Không chỉ làm tốt công tác Hội, chị Liên còn là tấm gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế ở xã Ia Glai. Ảnh: Mộc Trà |
“Nghề trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập khá cao và ổn định so với các loại cây trồng khác; chi phí đầu tư thấp, thu hồi vốn nhanh. Vì thế, tôi cũng khích lệ tinh thần và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ kinh nghiệm cho những hội viên có ý định thực hiện mô hình này. Ngoài ra, một số hộ nuôi tằm kém năng suất trước đây, qua sự hướng dẫn của tôi cũng đã thay đổi phương pháp, kỹ thuật nuôi và bước đầu cho thấy hiệu quả”-chị Liên thông tin.
Chị Rah Lan Khuyn-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Glai-nhận xét: “Từ khi tham gia công tác Hội, chị Liên luôn xông xáo, nhiệt tình, đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào. Với vai trò Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, chị đã làm tốt công tác tham mưu, góp phần đưa hoạt động phong trào Hội ngày càng phát triển. Không chỉ thế, chị Liên còn nêu gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình và hỗ trợ giải quyết việc làm thời vụ cho nhiều hội viên khó khăn”.